trong công việc. Trong cảnh nhốn nháo sau khi hành hình, lão vẫn nhớ sắc
nước sâm. Có lẽ lão đã chuẩn bị từ trước? Lão tính toán đâu ra đấy, lường
trước cả những việc sẽ xảy ra.
Giáp Con nhích lên một bước, một tay bê bát, tay kia cầm thìa múc từng
thìa nước sâm đổ vào miệng Tôn Bính. Khi thìa chạm môi, Tôn Bính đã vội
há miệng, y hệt chó con chưa mở mắt chạm vào bú mẹ. Giáp Con run tay,
nước sâm rớt ra cằm – nơi từng có bộ râu đẹp, Triệu Giáp không bằng lòng:
- Cẩn thận nào!
Nhưng Giáp Con là dân đồ tể, vai u thịt bắp, không làm bước những công
việc đòi hỏi khéo chân khéo tay. Thìa thứ hai đã rớt quá nửa xuống ngực.
- Con làm sao thế? – Triệu Giáp tiếc chỗ nước sâm, chuyển đèn cho Giáp
Con, nói – Để ta!
Không đợi Giáp Con chuyển bát nước sâm cho bố, Mi Nương đã bước tới
giằng lấy cái bát. Nàng dịu dàng bảo bố đẻ:
- Cha ơi, cha mắc tội tày đình nên mới nông nỗi này! Cha uống một chút là
dễ chịu ngay…
Ta thấy Mi Nương nước mắt chạy quanh.
Triệu Giáp giơ cao đèn lồng, Giáp Con nâng cằm Tôn Bính lên, Mi Nương
múc từng thìa nhỏ nước sâm đổ vào miệng ông. Ông uống hết, không rớt ra
ngoài chút nào.
Ta quên bẵng nhịêm vụ canh chừng tội phạm, tưởng như đang chứng kiến
cảnh chăm sóc người ốm trong một gia đình.
Uống hết bát nước sâm, Tôn Bính khá lên rõ rệt. Tiếng thở không nặng
nữa, cổ đã đỡ nổi đầu, miệng không tiếp tục thổ huyết, mặt cũng bớt sưng.
Mi Nương đưa trả cái bát cho Giáp Con, tự tay cởi trói cho bố đẻ, vừa cởi
vừa dỗ:
- Cha đừng sợ, con sẽ đưa cha về nhà.
Đầu ta trống rỗng, nhất thời không biết xử trí ra sao. Chỉ Triệu Giáp là tỉnh.
Lão đưa đèn cho Giáp Con, đứng án ngữ trước mặt Mi Nương, cười khẩy,
bảo:
- Dâu thảo của ta, hãy tỉnh mộng! Đây là trọng phạm của triều đình, tha lão
là bị giết cả chín họ!