lên nóc lồng tấm vải ướt thật lớn. Để khỏi dẫn dụ ruồi nhặng, các nha dịch
lấy nước kỳ cọ thật sạch mặt sàn trên đài. Được Triệu Giáp hỗ trợ, Mi
Nương đổ cho Tôn Bính hết một bát nước sâm, sau đó nửa giờ, lại cho
uống thuốc của Tô Trung Hòa. Ta trông thấy Tôn Bính tích cực phối hợp
khi uống thuốc, hiểu rằng ông ta không muốn chết. Nếu muốn chết, ông ta
chỉ cần ngậm miệng lại.
Sau đợt chữa trị, tình trạng sức khỏe của Tôn Bính khá hơn hẳn. Cách lớp
vải xô, ta không nhìn rõ mặt ông, nhưng ta thấy ông đã thở đều, mùi hôi
thối cũng không kinh khủng như trước. Ta mệt bã người, bước xuống đài,
trong lòng vẫn còn đôi chút lo âu. Chẳng còn gì đáng lo nữa. Viên đại nhân
giao nhiệm vụ cho ta canh chừng Tôn Bính, không cho ông ta chết, giờ đây,
bản thân ông ta không muốn chết, cha con Triệu Giáp không để ông ta chết,
Mi Nương không muốn ông ta chết, nước sâm duy trì sức sống của ông ta,
không cho ông suy kiệt mà chết. Vậy thì ta cứ tiếp tục sống, khi vận đen
chưa tới thì ta cũng chưa muốn chết.
Ta đánh liều rời khỏi pháp trường, rẽ vào một cái phố không quen, bước
vào một quán rượu. Tửu bảo vồn vã chạy tới, vừa chạy vừa gọi vào trong:
- Có quí khách!…
Chủ quán béo tròn như quả tú cầu lăn đến trước mặt ta, khuôn mặt bóng
nhẫy vừa mừng vừa kinh ngạc. Ta cúi nhìn bộ quan phục đang mặc trên
người, hiểu rằng không thể giấu mình là ai. Hàng năm, cứ vào ngày kinh
trập, ta ra ngoại ô đích thân cày ruộng để khuyến khích nông nghiệp. Cứ
đến Tết thanh minh, ta ra ngoại ô trồng đào trồng dâu. Ngày mồng Một và
ngày Rằm hàng tháng, ta đều giảng kinh ở giáo hóa phường, khuyên nhủ
trăm họ giữ gìn trung hiếu tiết nghĩa… Ta là một quan tốt, gần dân. Nếu ta
mãn nhiệm, chắc chắn sẽ được tặng một chiếc dù Vạn Dân…
- Quan lớn hạ cố đến tiểu điếm, vẻ vang cho tiểu điếm quá!… - Chủ quán
rặn từng chữ – Xin hỏi quan lớn dùng gì ạ?
Ta buột miệng:
- Hai bát hoàng tửu, một chiếc đùi chó.
- Thật không phải với quan lớn – Chủ quán lúng túng – Tệ quán không bán
thịt chó, cũng không có hoàng tửu…