Mô tả về công việc phân tích tâm lý, Jung viết: “Bệnh nhân và tôi cùng
nói chuyện với ông già hai triệu năm tuổi có trong tất cả chúng ta. Trong
phân tích vừa qua, hầu hết các khó khăn đến từ việc mất tiếp xúc với bản
năng, với sự sáng suốt xa xưa vẫn không quên có sẵn trong ta. Và chúng ta
tiếp xúc với ông già này ở đâu? Trong những giấc mơ” (Những suy ngẫm
của Jung, trang 76).
Như sẽ mô tả ở chương 5, Jung đề ra luận điểm rằng giấc mơ đóng một
vai trò không thể thiếu trong sự nội cân bằng của tâm thần, chúng khuyến
khích sự thích ứng với các đòi hỏi của cuộc sống bằng cách bù đắp cho
những hạn chế phiến diện của ý thức. Được lặp lại đêm này qua đêm khác
và năm này qua năm khác, hoạt động bù đắp tạo ra sự đóng góp định kỳ cho
quá trình cá thể hóa - yếu tố này được thấy rõ khi khảo sát một chuỗi dài
những giấc mơ từ cùng một người.
Việc ghi nhớ những giấc mơ, viết chúng ra và phân tích chúng sẽ thúc
đẩy chức năng nội cân bằng. Nhưng giấc mơ tiếp tục làm việc của chúng dù
chúng ta có nhớ chúng hay không. Xét cho cùng, đại đa số các giấc mơ xảy
ra mà không được nhận thức, nhưng chúng phải có một mục đích chủ chốt,
vì hầu như mọi động vật đều mơ, và bộ não đã mơ khoảng 135 triệu năm
nay. Sẽ là một lãng phí vô cùng lớn thời gian của thiên nhiên nếu giấc mơ
không đóng góp vào sự sống còn theo một cách thiết yếu nào đó. Hoá ra, cả
tập tính học và tâm lý học Jung đều có chung quan điểm về hiện tượng thú
vị này, dù chỉ có ít nhà tập tính học (và thật sự rất ít nhà tâm lý học theo
trường phái Jung) nhận thức về thực tế ấy. Theo quan điểm tập tính học, giấc
mơ thực hiện nhiệm vụ hòa hợp kinh nghiệm sống hàng ngày của một con
vật vào chương trình sống đã được đặt ra trong bộ di truyền - genome (tức
toàn bộ thiết chế di truyền) của loài đó. Giấc mơ thúc đẩy năng lực sống còn
của con vật và tạo ra một phương tiện để những hình thái căn bản của vòng
đời được hiện thực hóa. Đây là tiến trình cá thể hóa diễn ra ở cấp độ hữu cơ
và tự nhiên.