DẪN LUẬN VỀ JUNG - Trang 104

Kiểu cá thể hóa đóng vai trò trung tâm trong sự quan tâm của Jung là

quá trình được người nam và người nữ thực hiện một cách có ý thức khi họ
chủ động tìm cách trở thành một hiện thân trọn vẹn của giống loài như
những gì được ấn định sẵn trong họ. Hoàn cảnh sống không tránh khỏi áp
đặt những hạn chế lên sự phát triển cá nhân, và giống như không người mẹ
nào có thể hy vọng trở thành hiện thân trọn vẹn của cổ mẫu người mẹ, cũng
vậy, không cá nhân nào có thể hy vọng tích hợp toàn bộ tiềm năng của vô
thức tập thể. Dù chúng ta được nuôi nấng trong hoàn cảnh tốt ra sao, ít
người có thể hy vọng đến tuổi trung niên sẽ trở thành một con người tốt hơn
phiên bản “đủ tốt” của Ngã. Tuy nhiên, người ta có thể làm theo lời khuyên
“Hãy tự biết mình” của thần Apollo, lưu tâm đến lời quả quyết “Hãy trở
thành những gì ngươi là” của nhà thơ trữ tình Hy Lạp cổ đại Pindar, hay học
từ Plato và Aristotle cách khám phá “con người thật” của mình - nhằm làm
bộc lộ những gì mình đã là ở dạng ẩn tàng. Nói theo tâm lý học Jung, điều
này có nghĩa là khắc phục sự phân chia do cha mẹ và hoàn cảnh văn hóa áp
đặt, quăng đi “những vỏ bọc giả tạo của mặt nạ nhân cách” (Toàn tập VII,
đoạn 269), từ bỏ những cơ chế bảo vệ cái tôi, nỗ lực biết và thừa nhận bóng
như một phần của đời sống bên trong thay vì phóng chiếu bóng lên người
khác, chấp nhận nhân cách “giới tính đối lập” bên trong tâm thần của mình,
và tìm cách hiện thực hóa bằng ý thức những mục đích tối cao của Ngã. Tất
nhiên, không bao giờ có thể thành tựu trọn vẹn những mục tiêu này trong
một vòng đời, nhưng điều đó không phải là mấu chốt. “Mục tiêu chỉ quan
trọng như một ý tưởng”, Jung viết. “Điều cốt lõi là opus, công cuộc dẫn tới
mục tiêu ấy: đó mới là mục tiêu của một đời người” (Toàn tập XVI, đoạn
400).

Chuyên tâm vào opus nghĩa là sống hữu ích cho đến tận tuổi già, trong

khi trả nợ những bổn phận tâm linh của sự chín chắn lúc cao niên. “Người ta
chắc chắn sẽ không sống đến bảy mươi hay tám mươi tuổi nếu sự sống thọ
này không có ý nghĩa gì cho loài người. Buổi chiều của đời người phải có
một tầm quan trọng của chính nó, không thể đơn thuần là phần phụ đáng
thương hại của buổi sáng” (Toàn tập VIII, đoạn 787).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.