kỷ 12 - đây là thời kỳ được Jung gắn liền với những khởi đầu của giả kim
thuật và sự xuất hiện của truyền thuyết về Chén thánh.
Bối cảnh cổ mẫu
Những hình ảnh cổ mẫu có ý nghĩa lớn nhất trong giấc mơ là cái mũ
(Chén thánh), người hiệp sĩ/chiến binh, và chữ thập. Thông qua sự liên
tưởng, những hình ảnh này lần lượt gợi lên chủ đề cổ mẫu về vị vua già sắp
chết, người chữa bệnh bị thương, và pháp sư/nhà ảo thuật.
Theo truyền thuyết, Chén thánh là cái chén được Chúa Jesus sử dụng
trong bữa tiệc ly, sau đó được Joseph xứ Arimathea sử dụng để thu thập và
giữ gìn máu của Đấng Cứu thế sau sự kiện đóng đinh trên thánh giá. Vì vậy
đây là đồ vật quý giá nhất của người theo đạo Cơ Đốc. Tuy nhiên, câu
chuyện về chiếc chén thần kỳ còn lâu đời hơn Cơ Đốc giáo. Freud có lẽ là
người đầu tiên đồng thuận rằng Chén thánh là một biểu tượng của nữ tính,
lòng chén như một cái dạ con, trong đó xảy ra sự chuyển hóa kỳ diệu đưa
đến cuộc sống. Chiếc chén là vessel, cũng là vas, một ống dẫn đóng vai trò
trung tâm trong truyền thống giả kim thuật bắt đầu từ phương Đông cổ đại
và lan đến Bắc Âu ở thế kỷ 12, như Jung bình luận. Jung cảm thấy mình là
người theo thuyết ngộ đạo (Gnostic), và những người như vậy tin rằng một
trong những vị thần nguyên thủy đã tặng cho nhân loại món quà gọi là
krater, một cái bình trộn để những người tìm kiếm sự chuyển hóa tâm linh
có thể trầm mình. Truyền thống ngộ đạo này có vẻ đã đi vào giả kim thuật
phương Tây thông qua ảnh hưởng của Zosimos xứ Panopolis - một trong
những nhà giả kim thuật đầu tiên và có ảnh hưởng nhất, với những thị kiến
sau này có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Jung. Những người thần bí Trung cổ
sử dụng chén như một biểu tượng của linh hồn - thứ được mãi mãi làm đầy
bởi Ân điển Thiêng liêng.