Sự đóng góp của Jung vào thực hành tâm lý trị liệu có thể được gom
vào bốn đề mục sau đây: (1) cách ông xem xét bệnh tâm thần, (2) thái độ
của ông với bệnh, nhân, (3) những nguyên tắc và kỹ thuật được ông chủ
trương trong điều trị, và (4) quan điểm của ông về vai trò của nhà trị liệu.
Căn bệnh
Khi trình bày cách tiếp cận của mình đối với bệnh tâm thần, Jung
không chỉ đang phản ứng với những khái niệm của phân tâm học Freud, mà
cả với những ý tưởng thịnh hành khi ấy và phần lớn vẫn phổ biến ngày nay
trong tâm thần học theo lối thông thường. Sự thật là kinh nghiệm của Jung
rộng hơn và ông có tầm nhìn xa hơn đại bộ phận những người thực hành
theo cả hai bộ môn này. Freud đã kiểm chứng và (tự hài lòng) xác nhận
những giả thuyết của mình dựa vào cơ sở phân tích một nhóm nhỏ các bệnh
nhân người Áo trên mức trung lưu, đa phần là phụ nữ bị rối loạn phân ly
(một tình trạng phổ biến ở cuối thế kỷ 19, nhưng ít được chẩn đoán ngày
nay). Ngược lại, bệnh nhân của Jung thời kỳ đầu ít nhất cũng từ mọi tầng
lớp cuộc sống, và biểu lộ hầu như mọi tình trạng được mô tả trong Giáo
khoa tâm thần học của Kraft-Ebing. Hơn nữa, Jung căn cứ những phát biểu
của mình không chỉ trên bản thân và bệnh nhân của ông, mà trên một nghiên
cứu bao quát về thần thoại, tôn giáo so sánh và nhân loại học, trong một nỗ
lực phi thường nhằm xác thực những sự thật phổ quát, áp dụng được cho
mọi người bất kể giai cấp, chủng tộc hay tín ngưỡng. Trên hết, ông đã làm
hết sức mình để không giáo điều đến cùng. Khi đồng nghiệp người Anh E.
A. Bennet nói với Jung năm 1951 rằng ông đang viết một bài báo về Jung
cho tạp chí y khoa British Medical Journal, Jung đã nói ngay lập tức: “Anh
viết gì chăng nữa, hãy nói rõ rằng tôi không có lời phát biểu nào độc đoán
hay giáo điều, tôi vẫn rộng mở và chưa cố chấp vào điều gì”.