Bản chất rộng mở trong cách tiếp cận của ông với bệnh tâm thần biểu
lộ rõ từ những ngày đầu làm việc tại bệnh viện tâm thần Burghölzli trong vai
trò trợ lý cho Bleuler. Như chúng ta đã nói, không giống đa số các nhà tâm
thần học thời bấy giờ, Jung thật sự lắng nghe những gì bệnh nhân nói với
mình dù họ có thể bị hoang tưởng hay ảo giác ra sao. Như ông viết sau này:
Trong nhiều trường hợp tâm thần, bệnh nhân đến với chúng ta có một câu chuyện không được
kể và thường không ai biết tới. Đối với tôi, trị liệu chỉ thật sự bắt đầu sau khi đã khảo sát câu
chuyện hoàn toàn cá nhân ấy. Nó là bí mật của bệnh nhân, là tảng đá đè nặng khiến người đó
kiệt sức. Nếu biết câu chuyện bí mật ấy, tôi sẽ có một giải pháp điều trị… Trong trị liệu, vấn đề
luôn là toàn bộ con người, không bao giờ chỉ là triệu chứng. Chúng ta phải hỏi những câu hỏi
thách thức toàn bộ nhân cách. (Tự truyện, trang 118)
Bằng cách chú ý cẩn thận đến những gì bệnh nhân loạn thần nói với
mình, ông cho biết:
Tôi nhận ra những hoang tưởng và ảo giác chứa đựng một mầm mống ý nghĩa. Một nhân cách,
một lịch sử cuộc sống, một hình thái hy vọng và ham muốn ẩn sau chứng loạn thần. Sẽ là sai
lầm nếu chúng ta không hiểu chúng. Lần đầu tiên trong tôi xuất hiện ý nghĩ rằng có một tâm lý
học tổng quát về nhân cách bị che giấu đằng sau chứng loạn thần, và ngay ở đây, chúng ta cũng
bắt gặp những mâu thuẫn xưa cũ của con người. Dù bệnh nhân có tỏ ra u mê, hờ hững hay hoàn
toàn ngu ngốc, cũng có nhiều thứ hơn đang diễn ra trong đầu họ, và có nhiều thứ có ý nghĩa
hơn vẻ ngoài, ở dưới đáy, chúng ta không phát hiện điều gì mới mẻ hay còn chưa biết về người
bệnh tâm thần. Thay vào đó, chúng ta bắt gặp nền móng của chính bản chất của chúng ta. (Tự
truyện, trang 127)
Điều này càng đúng hơn trong trường hợp nhiễu tâm: “Các quá trình
tinh thần của người nhiễu tâm hầu như không khác biệt với các quá trình của
người gọi là bình thường - có người nào ngày nay hoàn toàn chắc chắn rằng
mình không bị loạn thần kinh?” (Toàn tập VIII, đoạn 667).