nghiệm cho rằng không đáng để xem xét. Ở góc độ này, ông thấy tâm lý học
“khoa học” là phản cuộc sống: “Lý trí phê phán càng chi phối, cuộc sống
càng trở nên nghèo nàn; ngược lại, chúng ta càng có khả năng ý thức về điều
huyền bí thì càng đón nhận được cuộc sống. Điểm chung giữa lý trí được
đánh giá quá cao và sự chuyên chế xã hội là, dưới sự chế ngự của chúng, cá
nhân bị bần cùng hóa” (Tự truyện, trang 280).
Do vậy, tâm lý học phân tích không thể tuyên bố là một khoa học thực
nghiệm, và phân tâm học cũng vậy. Tốt nhất nó nên được phân loại là một
nhánh của thông diễn học (hermeneutics) - hay nghệ thuật diễn giải nhằm có
được ý nghĩa. Jung nói ở cuối một buổi phỏng vấn nổi tiếng: “Con người
không thể chịu được một cuộc sống vô nghĩa”. Ý nghĩa này đến từ đâu? Câu
trả lời của Jung là, thông qua một khẳng định dứt khoát của Ngã. Với say
mê hướng tới cá thể hóa, Ngã tìm cách trưởng thành và phát triển trong cuộc
sống của chúng ta. Sự khẳng định của Ngã giải phóng năng lượng sáng tạo
của nó và đưa đến hiểu biết chắc chắn rằng cuộc sống tốt nhất là cuộc sống
được sống sub specie aeternitatis, từ tầm nhìn vĩnh hằng: “Câu hỏi quyết
định đối với một người là: ta có liên quan đến một điều vô cùng nào đó
không?” Đây là câu hỏi rốt ráo cho loài người, nó đã sinh ra đủ thứ thần
thoại và tôn giáo trên đời, mỗi thứ lại là một nỗ lực dũng cảm từ một nhóm
người nào đó để liên hệ với cái vô cùng, cái vĩnh hằng. Tìm kiếm sự kết nối
vũ trụ, trải nghiệm điều Thiêng liêng và Thần thánh là đòi hỏi căn bản của
Ngã. Phủ nhận nó là đem lại sự hư hoại tâm linh, còn theo đuổi nó là soi
sáng cho tâm linh bằng ý nghĩa. “Tôi chỉ có thể nhìn với sự tò mò và kinh
ngạc vào những chiều sâu và tầm vóc lớn lao của bản chất tinh thần. Vũ trụ
phi không gian của nó che giấu vô vàn những hình ảnh không được nói tới,
đã tích tụ qua hàng triệu năm phát triển”. Sự hùng vĩ của nó có thể sánh
được với những thiên đường đầy sao vào ban đêm, “bởi lẽ thứ duy nhất
tương đương với vũ trụ bên trong là vũ trụ bên ngoài” (Toàn tập IV, đoạn
331).