hữu ích. Có lẽ điểm khởi đầu rõ ràng nhất là quan niệm về ý nghĩa tái hiện
của nghệ thuật. Quan niệm về sự tái hiện trong tương quan với nghệ thuật
thường kết nối với tri giác về một hình ảnh của thế giới mà chúng ta nghĩ là
chúng ta nhìn thấy. Lưu ý đến điều này, ở đây chúng ta đặt tiêu điểm vào
nghệ thuật biểu hình (figurative art) - tức là nói rằng tác phẩm tái hiện một
thứ mà chúng ta nghĩ là mình nhìn thấy hơn là một hình ảnh trừu tượng.
Không hồ nghi gì rằng nghệ thuật trừu tượng (abstract art) hoặc nghệ thuật
ý niệm (conceptual art) có cùng những phẩm chất tái hiện được thảo luận ở
đây và nó có thể được đọc theo nhiều cách. Nhưng để giới thiệu chúng, tôi
giới hạn sự thảo luận vào một loại tái hiện - đó là hình thể con người. Và
thật sự là có những thời kỳ nhất định, người ta dường như bận tâm với sự
tái hiện về thực tại hơn là những thời kỳ khác. Chẳng hạn, nghệ thuật Hà
Lan ở thế kỉ 17 như thấy trong tranh của Vermeer được coi là mang tính
hiện thực trong việc nó sử dụng phép phối cảnh và quan tâm sâu sắc đến
chi tiết. Tương tự như vậy, sự quan tâm đến chủ nghĩa tự nhiên của nghệ
thuật thời Phục hưng ở Ý là hiển nhiên trong việc xử lí hình ảnh thân thể
con người cũng như phong cảnh - cả hai đều được vẽ từ đời sông hàng
ngày.
Nhưng nghệ thuật là một ảo giác bởi chính những gì người xem mang
đến cho nó mới khiến nó ‘tái hiện’. Rõ ràng hành vi này được xác định về
mặt văn hóa - những hoàn cảnh văn hóa và xã hội của chính người đọc
hoặc người xem không thể tháo gỡ được khỏi tiến trình. Chúng ta đã thấy
điều đó tác động ra sao đến việc giới thiệu và thông giải về những đối
tượng nghệ thuật trong một bối cảnh toàn cầu trong chương mở đầu cuốn
sách. Ở đây, tôi muốn đưa ra vài thí dụ chọn lọc để trình bày rằng việc đọc
nghệ thuật là một thực hành thiết yếu xuyên thời gian. Nói cách khác, chính
khả năng đọc nghệ thuật của chúng ta đã ban cho nghệ thuật ý nghĩa của
nó, và điều đó trở nên một thành phần thiết yếu của lịch sử nghệ thuật.
Trước tiên, có chức năng tái hiện của nghệ thuật ở những gì chúng ta
thấy có thể kết nối với một tự sự rộng lớn hơn. Nó được thí dụ, chẳng hạn,
qua bức tượng Apollo Belvedere (Hình 7). Thoạt nhìn, bức tượng tái hiện