còn bị phân chia giữa ‘cái mới’ và ‘cái cũ’ của lịch sử nghệ thuật ngay cả
20 năm về sau.
Cuốn sách này không theo đuổi lối tiếp cận nào trong hai lối suy tư về
lịch sử nghệ thuật. Tôi thấy ưu điểm của cả hai lối tiếp cận, và muốn chất
vấn đối tượng, trực tiếp với nó, để thăm dò sự tạo nghĩa rộng nhất khả dĩ
của nó. Nhưng đồng thời tôi không muốn đánh mất cái nhìn vào ngay chính
đối tượng - các tính chất vật lí, và trong nhiều trường hợp, sự thu hút mĩ
học đơn thuần của nó. Rốt ráo, tôi lập luận rằng lịch sử nghệ thuật là một
bộ môn tách rời khỏi lịch sử - khi ấy, thị giác là tư liệu trước nhất, điểm
khởi đầu của bất cứ nghiên cứu nào về lịch sử. Mặc dù, có thể nói về vẻ
ngoài của một tác phẩm nghệ thuật cũng quan trọng, việc mô tả và phân
tích cái nhìn bằng việc sử dụng ngôn ngữ không phải là một cứu cánh tự
thân. Và lối phân tích thị giác này không phải luôn luôn dễ dàng như chúng
ta vẫn nghĩ. Lịch sử nghệ thuật có bộ từ vựng riêng của nó, hoặc hệ thống
phân loại học của nó, để chúng ta có thể nói một cách chính xác về những
đối tượng mà chúng ta nhìn thấy, như có thể nhận định qua bộ từ vựng ở
cuối sách. Nhưng khả năng để thảo luận hoặc để phân tích một tác phẩm,
ngay cả khi sử dụng một hệ thống phân loại học tinh vi, cũng không phải là
lịch sử nghệ thuật. Chắc chắn như vậy, nó là hành vi mô tả một cách chuẩn
xác một tác phẩm, và tiến trình này có thể được đan chéo với việc thực
hành sự am hiểu chuyên sâu, nhưng hài lòng với việc nói ra những gì ở
phía trước chúng ta phần lớn vẫn là khu vực riêng biệt của thưởng thức
nghệ thuật. Nếu chúng ta so sánh thực hành này với việc học văn học tiếng
Anh chẳng hạn, chủ điểm được sáng tỏ hơn. Chúng ta sẽ chẳng coi việc đọc
lớn văn bản của vở kịch Vua Lear hoặc bản đề cương về nội dung của vở
kịch này, như là sự phân tích rốt ráo về một tác phẩm của Shakespeare. Rất
có thể những tiến trình này là một phần thiết yếu của sự phân tích, nhưng tự
thân chúng không phải là cứu cánh. Tương tự như vậy, chúng ta không nên
chấp nhận sự mô tả về một nghệ phẩm như là cứu cánh của tiến trình học
hỏi.