của một kiểu thức hội họa mang tên gothic quốc tế (International Gothic).
Ở đây, như ở trong phần lớn lịch sử nghệ thuật, ‘quốc tế’ chỉ quy chiếu về
phương Tây, và trong trường hợp đặc thù này là về châu Âu, bởi châu Mỹ
chưa thực sự được biết đến bao nhiêu khi tác phẩm này được tạo ra. Cách
nhìn như vậy về thế giới nói cho chúng ta một điều gì đó về cung cách
những lịch sử nghệ thuật đã được viết, hầu hết xuất phát từ một viễn kiến
của phương Tây, dựa trên những ý niệm của phương Tây, và đặt dấu nhấn
trên những giá trị mà một xã hội và một nền văn hóa do nam giới thống trị
muốn đọc và muốn nhìn thấy chính mình trong các tác phẩm nghệ thuật.
Một trong những mục tiêu của cuốn sách này là chỉ ra rằng chúng ta có thể
suy nghĩ về cùng một đối tượng trong những đường lối khác nhau để làm
hiển lộ sự phong phú và giá trị của chúng như những tài liệu hoặc bằng
chứng lịch sử.
Bức tranh thứ hai tên là Các thị nữ/ Las Meninas (Hình 6), của Diego
Velázquez (vẽ khoảng 1658-1660). Một lần nữa, chúng ta thấy một tác
phẩm nghệ thuật có nhiều hơn một cái tên. Nó thực sự là một bức chân
dung của gia đình vua Philip IV ở Tây Ban Nha, và chỉ trong một vựng tập
của bộ sưu tập hoàng gia được viết năm 1843 do Pedro de Madrazo mà tựa
đề Las Meninas (có nghĩa là ‘Các thị nữ’) mới được đặt cho tác phẩm.
Trong bức họa, hình ảnh nghệ sĩ mang tính thống trị hơn là chủ đề, và
không những chúng ta biết rằng tác phẩm này đã là một trong những danh
tác của ông, mà ông còn thực sự đưa cả bản thân mình vào bức tranh.
Chúng ta thấy ông đứng sau tấm vải vẽ ở phía bên trái bức tranh, nhìn về
phía người xem tranh. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng những ông hoàng
chủ quản thoải mái để Velázquez đưa bản thân vào bức chân dung gia đình
- họa sĩ chắc chắn là một trong những hình dạng thống trị, còn nhà vua và
hoàng hậu chỉ được thấy như là những phản ánh trong tấm gương ở trung
tâm bức tường phía sau.