Foucault được coi vừa là một nhà cấu trúc luận lại vừa là một nhà hậu-cấu
trúc luận - cả hai trường phái tư tưởng đều xem xét các hệ thống và sự tổ
chức trong văn hóa và rồi sử dụng những hệ thống này để phân tích những
nền văn hóa ấy. Lập luận của Foucault hướng tới những quan tâm của
chúng ta về sự xác thực và quyền tác gia trong tương quan với giá trị và
phẩm chất. Điều đó không những giúp tách biệt ý nghĩa của một tác phẩm
khỏi tác giả của nó, mà nó còn cho phép chúng ta xem những đối tượng vô
danh như là những tạo nghĩa (signißers) cũng quan trọng tương đương với
những thực hành xã hội và văn hóa. Lịch sử nghệ thuật không phải chỉ là
tiểu sử của nghệ sĩ. Chẳng hạn, chúng ta không biết ai đã tạo nên những
pho tượng ở đảo Phục sinh (Hình 18), mà chúng ta cũng chẳng biết ai đã vẽ
những minh họa bản thảo về các tác giả Phúc âm (Hình 17), nhưng điều đó
không nhất thiết làm trắc trở cho việc phân tích chúng. Chẳng hạn, nếu
chứng minh được rằng Leonardo da Vinci không vẽ bức Mona Lisa, cũng
chẳng có thay đổi đáng kể nào đối với tác phẩm ấy. Và nếu sự phân tích của
chúng ta về sự tạo nghĩa nghệ thuật và văn hóa của nó là có giá trị, hẳn
nhiên là những lập luận này vẫn không suy chuyển mặc dù tính vô danh của
tác phẩm. Chúng ta cũng biết rõ rằng nhiều nghệ sĩ điều hành những xưởng
vẽ đông đảo và dùng các phụ tá hoặc tập sự để giúp xử lý tác phẩm của
mình. Và, trong trường hợp điêu khắc, thậm chí một số nghệ sĩ không hề
khắc chạm hay đổ khuôn cho tác phẩm của chính họ. Chẳng hạn, các tác
phẩm điêu khắc bằng cẩm thạch của Rodin (Hình 19) đã được nhiều người
thợ trong xưởng chạm khắc từ những nguyên bản mẫu bằng đồng của ông.