nhân dân’, hay như ‘công cụ của lợi ích chung’ chẳng hạn. Mặt khác,
con người bầy đàn ở châu Âu ngày nay làm như thể họ là loại người
duy nhất chấp nhận được và tôn vinh những phẩm chất mà nhờ đó họ
là hiền lành dễ bảo, thích yên ổn và có ích cho bầy đàn như những đức
tính nhân bản thực sự: tinh thần cộng đồng, nhân từ, quan tâm, cần cù,
điều độ, khiêm tốn, nhẫn nhục, trắc ẩn, tuy nhiên, trong những trường
hợp mà người dẫn dắt và những con cừu đầu đàn được cho là không
thể thiếu, thì người ta nỗ lực không ngừng để thay thế họ bằng cách
cộng dồn những con người bầy đàn thông minh hơn: đây, chẳng hạn,
là nguồn gốc của tất cả các thể chế đại nghị. Vậy nên thật may mắn, sự
xuất hiện của một người lãnh đạo quả quyết là sự giải thoát khỏi cái
gánh nặng ngày càng không chịu đựng nổi dành cho động vật bầy đàn
của châu Âu, mà hiệu ứng sinh ra từ sự xuất hiện của Napoleon là
bằng chứng lớn lao gần đây nhất - lịch sử tác động của Napoleon hầu
như là lịch sử của niềm hạnh phúc cao hơn mà toàn bộ thế kỷ này đã
đạt đến trong những con người và những khoảnh khắc giá trị nhất của
nó.
(BGE 199)
Đoạn văn này rất đặc trưng cho Nietzsche ở khả năng gợi lên những
phản ứng trái chiều. Nó chuyển động giữa tính thuyết phục cao, diễn đạt
bằng phong cách lập luận, tu từ hùng hồn, và bằng việc sử dụng những từ
ngữ gây sốc, thậm chí hầu như ông muốn chúng gây sốc, ngay cả khi chúng
chắc chắn làm cho hầu hết người đọc giật nảy mình từ những gì ông đang
nói. Việc sử dụng thuật ngữ ‘động vật bầy đàn’ (herd-animal), và những từ
ngữ cùng gốc với nó, làm cho ta khó chịu, như danh sách các phẩm chất mà
‘con người bầy đàn’ (herd-man) chấp nhận, vì ta cũng chấp nhận những
phẩm chất đó: tinh thần cộng đồng, cần cù, khiêm tốn,… Và ta chấp nhận
chúng vì ta là những con người bầy đàn, và không gì có thể thuyết phục ta
trở thành bất cứ cái gì khác, hay cho dù có thể thì liệu ta có muốn thế hay
không. Vậy mà ta vẫn cứ thấy khó chịu, vì toàn bộ vấn đề về sự tuân phục