DẪN LUẬN VỀ NIETZSCHE - Trang 8

phê phán gay gắt - và trong trường hợp cuốn Hiểu biết vui vẻ (The Gay
Science),
ông còn viết mới thêm cả một phần cuối dài. Không nghi ngờ gì,
đây là một phần trong dự định của ông để cho thấy rằng chẳng có gì trong
quá khứ của người ta mà phải hối tiếc, rằng không có gì là phí phạm, nhưng
nhiều nhà bình luận bị lạc lối vì ngạo mạn cho rằng điều đó cho phép họ xử
lý tất cả các tác phẩm của ông như thể chúng được viết ra cùng một lúc.

Một yếu tố khác dẫn đến những hiểu lầm và bóp méo là hậu quả của

một thực tế rằng ngay từ năm 1872, có thể còn trước đó nữa, Nietzsche đã
phải dành hầu hết thời gian để viết. Chỉ cần kiểm số đầu sách được xuất
bản là đủ ấn tượng. Tuy nhiên, những ghi chép của ông ít nhất cũng nhiều
như những gì được ông biên soạn thành các cuốn sách, và không may là
nhiều trong số những văn bản chưa được công bố này (Nachlass) đã sống
sót. Sẽ may mắn hơn nếu có một nguyên tắc phương pháp luận được chấp
nhận phổ biến là những gì ông đã không xuất bản thì trong mọi trường hợp
nên được phân ranh giới rõ ràng với những gì ông đã công bố, nhưng hầu
như không ai tuân thủ cái nguyên tắc sơ đẳng đó cả. Ngay cả những người
tuyên bố sẽ tuân thủ nguyên tắc đó cũng thường sa vào việc trích dẫn
không ghi rõ nguồn lấy từ khối Nachlass khổng lồ ấy, khi chúng củng cố
cho mạch tư tưởng mà họ đang nói về ông. Điều khiến cho nó là một cách
làm việc đặc biệt nguy hiểm là ở chỗ với một số khái niệm trung tâm, trong
đó Ý chí Quyền lựcQuy hồi Vĩnh cửu có lẽ là những khái niệm quan
trọng nhất, thì tư tưởng của ông vẫn còn rất sơ khai. Nietzsche vẫn thường
tin chắc là đã đào đúng mạch vàng triết học đến mức ông ghi lại rất nhiều
suy nghĩ, nhưng để chúng dưới dạng chưa được triển khai. Điều này cung
cấp cho nhà bình luận khả năng theo đuổi những ý tưởng được gán cho
Nietzsche mà không bị cản trở bởi những phát biểu rõ ràng của ông. Một số
người thậm chí còn đưa ra quan điểm cho rằng Nietzsche ‘thật sự’ phải
được tìm trong các ghi chép, còn những công trình được xuất bản chỉ là
một hình thức che giấu tinh vi. Thái độ vô lý đó được Heidegger thực hiện,
và do đó ông ta có thể rao giảng triết lý riêng của mình như là được rút ra
từ Nietzsche và cũng là sự phê phán triết học của Nietzsche.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.