Về sau, Đặng Thái Sơn bắt đầu hướng tới các nhà soạn nhạc
thế kỉ 20, hứng thú với các tác phẩm của Federico Mompou (Tây
Ban Nha), Alberto Evaristo Ginastera (Argentina). Tác phẩm của
những nhà soạn nhạc đó không mang tính tiên phong, cũng không
trừu tượng nhưng thể hiện được thế giới mới khoáng đạt, rộng rãi
hơn.
Sơn suy nghĩ và thêm vào danh mục biểu diễn của mình các tác
phẩm Pháp của Gabriel Fauré, César Franck, Olivier Messiaen,... các
tác phẩm Ba Lan của Karol Maciej Szymanowski và của Alexander
Skryabin (Nga).
Với việc trình diễn rộng rãi những tác phẩm này qua các bản ghi
âm phát trên radio, Sơn đã được công nhận là nghệ sĩ piano thực thụ.
Lúc đầu, Sơn nghĩ rằng mình chủ yếu sẽ chỉ ghi âm và phát hành
băng đĩa đúng như thực lực của mình, hơn là trình diễn trên sân
khấu. Biểu diễn trên radio, sức tập trung cũng cao hơn.
“Nhưng tôi không phải là Glenn Gould. Tôi không rời khỏi radio
nhanh chóng. Nhưng dần dần, tôi cũng đã biểu diễn các tác phẩm
đó trên sân khấu. Ở trên sân khấu, tôi cảm thấy chưa lần nào
mình biểu diễn hết 100% những gì mình có. Chính vì cảm giác
không hoàn thành được, nên tôi cứ phải đuổi theo chính mình, còn
khó khăn hơn cả việc leo núi nữa. Cứ leo lên, leo lên mà không thấy
được đỉnh. Vừa tới đích này thì phải ngay lập tức đặt ra đích cao hơn
để tiếp tục leo lên. Chẳng lẽ đó là sứ mệnh của một nghệ sĩ piano?”.