Để biểu diễn nhạc của Debussy, trước tiên phải cảm nhận được
không gian âm nhạc của ông. Đối với Sơn, không gian đó giống như
âm nhạc của thiên niên kỷ thứ ba. Để tái tạo được không gian âm nhạc
ấy khi trình diễn, nghệ sĩ phải biết nhấn phím, nhấn pedal đúng
lúc đúng chỗ. Cảm giác toàn hảo là làm sao cho mình có cảm giác bay
bổng, mọi vật như chuyển động lúc gần lúc xa:
“Cách chơi nhạc Debussy của tôi mỗi năm mỗi thay đổi. Khi mới
bắt đầu chơi các tác phẩm của Debussy, tôi nghĩ rằng âm sắc
hết sức quan trọng. Vì thế, khi biểu diễn tôi hết sức chú trọng cho
nhiều âm sắc đặc biệt. Sau này, khi cảm nhận được sâu sắc hơn
những nốt nhạc của ông, dần dần tôi đã có những thay đổi trong
cách trình diễn. Với tôi, các tác phẩm của Debussy có những điều phi
thường, nhiều lúc như những đoạn thơ. Tôi bắt đầu nghĩ Debussy
là một nhà thơ và tôi diễn tả thơ của ông bằng âm nhạc. Nhìn theo
tổng thể trường phái ấn tượng, người ta thường nghĩ âm nhạc có sự
nhẹ nhàng thanh thoát, khoan thai. Nhưng biên giới của âm nhạc
Debussy rất rộng, từ rất mạnh mẽ, sâu sắc đến nhẹ nhàng, mềm
yếu. Đó là một thứ âm nhạc có tính quốc tế rất đặc sắc. Nếu đặt
hết vào tác phẩm thì sẽ tạo nên âm nhạc mang tầm quốc tế đặc
sắc.
Âm nhạc của Brahms giống với âm nhạc Pháp nhưng cá tính lại
khác nhau, cần đến một phương pháp biểu diễn nhiều tình cảm,
nhưng lại không biểu hiện ra ngoài. Âm nhạc vang lên như thể có gì
che giấu bên trong, nghệ sĩ piano là người phải biết được điều gì
đang được che giấu. Âm nhạc của Brahms phản ánh được tâm hồn
con người, nhưng cách phản ánh đó nhất định không phải là phê
bình chỉ trích, mà hài hước hóm hỉnh”. Với Sơn, chơi nhạc Brahms
như nếm trải mùi vị mới lạ trong một thế giới mình chưa hề biết.