126
BỘ SÁCH KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM
Từ nhận thức này, tháng 3/1929, những hội viên tích cực nhất đã bí
mật họp tại nhà số 5 D Hàm Long (Hà Nội) thành lập tổ chức cộng sản
đầu tiên. Chi bộ này gồm 8 người là Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu,
Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn, Dương Hạc Đính
và Nguyễn Phong Sắc.
Rồi trong hai ngày 28-29/3/1929 hội nghị lần thứ hai đã diễn ra tại
đồn điền Kim Đài, huyện Tùng Thiện (nay thuộc Sơn Tây). Mọi người
đồng ý giao cho bốn đại biểu là Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Dương
Hạc Đính, Kim Tôn nhiệm vụ phải đấu tranh thành lập Đảng Cộng
sản khi tham dự đại hội thanh niên toàn quốc sắp tổ chức tại Hương
Cảng (Trung Quốc). Trong khi đó, đại biểu kỳ bộ Trung kỳ là Nguyễn
Sĩ Sách, Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng, Võ Mai; đại biểu kỳ bộ
Nam kỳ là Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Trần Văn Phồng (Công);
đại biểu chi bộ ở Thái Lan là Võ Tòng cũng được kỳ bộ những nơi này
cử đi dự đại hội.
Ngày 1/5/1929 diễn ra đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của
Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đến dự có ba đại biểu
của Tổng bộ là Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Lâm Đức Thụ. Nhưng vấn
đề mà đại biểu kỳ bộ Bắc kỳ đưa ra thảo luận, không được đại biểu tại
đại hội tán thành. Ý kiến bất đồng chủ yếu là ở phương pháp tiến hành,
chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Do đó, đại biểu kỳ bộ Bắc kỳ
bỏ đại hội ra về - riêng Dương Hạc Đính ở lại.
Ngày 17/6/1929 tại nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) đại biểu các
tổ chức cộng sản mới được tổ chức ở các tỉnh Bắc kỳ đã tiến hành cuộc
họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Đặt tên Đảng
như vậy, vì họ thống nhất nhận định: Đông Dương là thuộc địa của thực
dân Pháp, nên ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng có một kẻ thù
chung, có mối quan hệ gắn bó về địa lý nên công cuộc cách mạng ba
nước không thể tách rời. Với nhiệm vụ đó, Đảng Cộng sản phải gánh vác
trách nhiệm trước nhân dân ba nước Đông Dương”. Như vậy, chi bộ 5D
Hàm Long và Đông Dương Cộng sản Đảng là những tổ chức cộng sản
đầu tiên ở trong nước được thành lập tại Hà Nội.