12
BỘ SÁCH KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM
Gia Lâm, Thuận Thành. Nhưng qua năm sau, triều đình Huế ký hòa
ước thỏa hiệp, ông buộc phải giải tán nghĩa quân. Sau nhân ông có
công lao trong việc đánh dẹp Thanh phỉ, triều đình ép ông giữ chức tri
huyện Yên Dũng, rồi thăng tri phủ Lạng Giang. Ông làm quan rất thanh
liêm, trong lời tâu về triều đình, quan tỉnh xác nhận: “Trộm khiếp sợ
Nguyễn Cao như thần, dân chúng thân thiết như cha”. Thời gian này,
ông có công trong việc khai hoang ở biên giới nên được thăng chức
Bố chánh Thái Nguyên, rồi được giao đi kinh lý việc khẩn điền ở Nhã
Nam (Bắc Giang).
Lúc thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ hai, ông lại đem nghĩa
quân ra nghênh chiến. Đội quân của ông phối hợp với nghĩa quân của
Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy trấn giữ miền Đông Bắc, đã tiến
về đánh nhiều trận ở xung quanh Hà Nội và lập được nhiều chiến công.
Ngày 18/5/1883, ông bị thương nặng trong một trận đánh ở Gia Lâm.
Sau khi lành vết thương, ông được cử giữ chức Tán tương quân vụ Bắc
kỳ - mà trong nhân dân thường gọi là ông Tán Cách Bi. Nhưng rồi lúc
Bắc Ninh, Nhã Nam thất thủ, ông lánh về làng Kim Giang (nay thuộc
huyện Ứng Hòa - Hà Tây) dạy học.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương đánh Pháp, ông
lặn lội lên chiến khu Bãi Sậy của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật để đứng
vào hàng ngũ của những người trực tiếp chiến đấu. Trước sức mạnh hùng
hậu của đội quân xâm lược nhà nghề, nghĩa quân kháng chiến dần dần
thất thế. Ngày 27/3/1887, Nguyễn Cao bị giặc bắt tại làng Kim Giang.
Dùng đòn tra tấn dữ dội nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của
ông, chúng dụ dỗ ông nếu đồng ý hợp tác thì sẽ được quyền cao chức
trọng, nhưng ông cũng kiên quyết từ chối. Trong khi đó, bọn Việt gian
cam tâm ra làm trâu ngựa cho giặc hùa vào nói ông là kẻ bất trung, vì
không nghe theo lệnh của vua bù nhìn Đồng Khánh đã ra lệnh phải bãi
binh. Còn giặc thì đem dụng cụ tra tấn hiện đại nhất bày biện ra trước
mặt để đe dọa ông. Thế nhưng, nét mặt vẫn điềm tĩnh không thay đổi,
ông bảo:
- Không cần những thứ này đâu! Tôi có cách tự xử, không phiền đến
các người đâu!