Bắc thuộc (năm 938). Phần hai (bản kỷ) gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô
Quyền dựng nước (năm 938) đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428).
Bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư cũng do Ngô Sĩ Liên viết, có đoạn
nêu rõ: "Trộm nghĩ: may gặp buổi thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền,
nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy hai bộ sách của các bậc tiên hiền
làm trước đây, sửa sang lại, thêm vào một quyển Ngoại kỷ, gồm một số
quyển, gọi là Đại Việt sử ký toàn thư. Trong bộ sách này, về sự việc, có
việc nào trước kia quên sót thì bổ sung vào; về thể lệ có lệ nào chưa thật
đúng thì chỉnh lý lại; về văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi thay đi; thảng hoặc
có việc nào hay việc nào dở có thể làm gương khuyên răn được thì góp
thêm ý kiến quê kệch ở dưới... Tuy những lời khen chê ấy chưa có thể làm
công luận cho muôn đời về sau nhưng may ra cũng có thể giúp ích phần
nào cho việc tra cứu tìm hiểu...". Qua những đoạn trích trên đây cũng có thể
thấy được đôi nét tổng quát về quan niệm, bút pháp sử học... của Ngô Sĩ
Liên.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư hiện đang lưu hành, tuy do Ngô Sĩ Liên khởi
thảo (hoàn thành vào năm 1479), nhưng đã được các sử thần các đời khác
như: Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy... hiệu chỉnh bổ sung
thêm. Phần đóng góp chủ yếu của tiến sĩ họ Ngô vào bộ quốc sử lớn này là:
đặt tên cho bộ sách là Đại Việt sử ký toàn thư, được triều đình và các đời
sau chính thức công nhận. Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên
đã dựa vào Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký tục biên của
Phan Phu Tiên. Ông viết thêm 1 quyển thuộc Ngoại kỷ, trình bày lại tiến
trình lịch sử của Việt Nam từ họ Hồng Bàng cho tới khi quân xâm lược
Minh bị đánh đuổi về nước; viết Tam triều bản kỷ, sau này được đưa vào
phần Bản kỷ toàn thư và Bản kỷ thực lục; viết bài tựa Đại Việt sử ký ngoại
kỷ toàn thư, biểu dâng sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Phàm lệ Đại Việt
sử ký toàn thư; viết những lời bình luận (hiện còn thấy 166 đoạn) có ghi rõ
"sử thần Ngô Sĩ Liên viết"... Khác với phần lớn các lời bình của Lê Văn
Hưu hoặc Phan Phu Tiên, những đoạn bình luận lịch sử của Ngô Sĩ Liên
thường dài hơn, do đó cũng thường cặn kẽ hơn, sinh động hơn; nhiều đoạn
có thể coi như lời tổng kết cả một giai đoạn lịch sử. Những dòng ca tụng