đức của họ Chu có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần. Tuy nhiên, qua đó
cũng thấy được đức độ của Chu Văn An lúc đương thời là rất lớn.
Đến đời vua Trần Minh Tông, ông được mời vào làm Tư nghiệp ở Quốc Tử
Giám để dạy Thái tử học. Ông đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh,
Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang
đi dần vào con đường khủng hoảng, suy thoái. Đến đời Dụ Tông, chính sự
càng thối nát, bọn gian thần nổi lên khắp nơi. Chu Văn An nhiều lần can
ngăn Dụ Tông không được, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần, đều là
người quyền thế được vua yêu. Đó là Thất trảm sớ nổi tiếng trong lịch sử.
Nhà vua không nghe, ông bèn "treo mũ ở cửa Huyền Vũ" rồi bỏ quan về ở
ẩn tại núi Phương Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Hưng) lấy
hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi). Sau ông mất tại đó.
Theo thư tịch cũ thì Chu Văn An viết nhiều sách, ông đã để lại cho đời sau
những tác phẩm: hai tập thơ Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều ẩn thi
tập bằng chữ Hán. Ông còn viết một cuốn sách biện luận giản ước về Tứ
thư nhan đề Tứ thư thuyết ước. Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây thì
Chu Văn An còn là một nhà đông y đã biên soạn quyển Y học yếu giải tập
chu di biên gồm những lý luận cơ bản về chữa trị bệnh bằng Đông y. Khi
ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một
trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng tên thụy cho ông là Văn
Trinh. Ngô Thế Vinh, nhà văn học nổi tiếng thế kỷ 19 trong bài văn bia ở
đền Phương Sơn đã thích nghĩa hai chữ "Văn Trinh" như sau: (Văn, đức chi
biểu dã; Trinh, đức chỉ chính cổ dã. Văn là sự bên ngoài (thuần nhất )của
đức; Trinh là tính chính trực, kiên địch của đức). Tên thụy như vậy nhằm
biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: bên ngoài
thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực, kiên định. Trong lịch sử giáo
dục nước nhà, ông cũng đã giành được địa vị cao quí bậc nhất, xứng đáng
đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Ông đã vượt qua ngưỡng cửa: làm
thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời như
Phan Huy Chú đã ngợi ca ông: "học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng,
làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so
sánh được".