vụ hệ trọng mà xã tắc phó thác cho mình! Tưởng chừng hai con người là
hai nhân vật khác hẳn nhau, đồng hành trên suốt một chặng đường dài...
vừa chẵn năm mươi năm. Nhưng nào đâu có phải! Phải nói, có được cái mê
si đầy khoái cảm của chàng thi nhân kia - mê si trong khung cảnh yên bình,
nhàn nhã của đất nước - cũng là nhờ cái tỉnh táo trường kỳ, không biết mệt
mỏi của người tráng sĩ nọ, và quả tình là ở phần cuối bài thơ, cả anh hùng
và thi nhân đều đã nhập trở lại trong một hình tượng nhất trí. Cảm hứng của
người thơ có vẻ như lâng lâng, dàn trải ở phần đầu, đến đây cũng được xác
định lại cụ thể, là niềm hứng khởi, là ý thức sắc bén trước nhiệm vụ đối với
đất nước, đúng y như cảm hứng của anh hùng:
Sinh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.
(Chí khí dũng lược lúc bình sinh hãy còn hăng hái,
Muốn quật ngã gió đông mà ngâm lên một bài thơ).
Như vậy, nền tảng của sự thống nhất giữa hai con người trong thơ Trần
Quang Khải chính là sức mạnh và yêu cầu thường trực về sự vững mạnh
của xã tắc giang sơn; nhờ có nó người ta nhận thức được rằng mình vẫn còn
và tất yếu phải còn nguyên "đởm khí" - dồi dào sức trẻ. Cũng nhờ có nó,
mặt khác, người ta lại cảm thấy cái hạnh phúc được sống và quên bẵng
rằng mình đang sống, nghĩa là được thoải mái đắm mình theo nhịp trôi
chảy của thời gian, để rồi đôi khi nhìn lại mà bỗng thốt giật mình.
Sự thống nhất giữa người thơ và anh hùng trong thơ Trần Quang Khải còn
là sự thống nhất giữa hai bình diện khác nhau của cùng một con người Việt
Nam ở thời đại Lý - Trần: con người biết mê mải vui say trong nhiều niềm
vui của cuộc sống đang lên, và ngược lại, cũng biết tự cảnh giác với mọi
đam mê vô ích, để nhân sức mạnh của mình lên mà tỉnh táo chống trả với
mọi kẻ thù đang dòm ngó sơn hà xã tắc.
Con người đó, ngay trước khi bước vào giấc ngủ cũng đã mở to con mắt:
"đề phòng" dõi nhìn về những miền biên giới thân yêu:
Nam vọng lang yên vô phục khởi,
Đồi nhiên nhất tháp, mộng thiên an.