như thế". Thủ Độ giận sai đi bắt. Người quân hiệu ấy chắc là phải chết. Khi
đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu đem sự thực trả lời.
Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn
trách gì nữa". Rồi lấy vàng lụa thưởng cho người ấy.
Là người có công dựng nước, có tài trị nước, vua cũng ít khi dám trái ý.
Bấy giờ có người đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: "Bệ
hạ trẻ thơ mà Thủ Độ quyền hơn cả vua, đối với xã tắc sẽ ra sao?". Vua lập
tức cùng người ấy đến nhà Trần Thủ Độ và nói lại chuyện đó. Trần Thủ Độ
trả lời: "Đúng như lời người ấy đã nói", rồi lấy tiền lụa thưởng cho người
ấy.
Trần Thái Tông vì quý trọng Thủ Độ nên muốn dùng anh ruột ông là An
Quốc làm tể tướng. Ông thẳng thắn nói với vua: "An Quốc là anh thần, nếu
là người hiền thì thần nên nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc thì
không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tể tướng thì việc trong triều
đình sẽ ra sao". Vua bèn thôi.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, Trần
Thủ Độ có vai trò hết sức quan trọng. Tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1-
1258), quân Mông Cổ, sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến
vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc rất mạnh. Quân Đại Việt bị đánh lui, vua
Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Vua ngự thuyền nhỏ
đến thuyền em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo lấy ngón
tay chấm nước viết hai chữ "Nhập Tống" ở mạn thuyền, ý khuyên vua nên
chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ
Độ, Trần Thủ Độ trả lời:
- Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!
Vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, câu trả lời đanh thép ấy của ông
đã giữ vững được tinh thần dám đánh và quyết thắng của quân dân Đại Việt
trong cuộc phản công quyết liệt đánh vào Đông Bộ Đầu ngày 29-1-1258,
buộc địch phải rút chạy về nước.
Trần Thủ Độ xứng đáng được xếp vào hàng những nhân vật kiệt xuất, đi
đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc.
Hà Ân - Trần Quốc Vượng