quanh vùng quy phụ, "...nhân có nhiều người cũng nổi lên làm giặc". Nhất
là từ khi Trần Lý có người con gái là Trần Thị Dung lấy Hoàng Thái tử
Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) thì thanh thế càng lớn. Trần Thủ Độ cùng
với những người con ưu tú khác của họ Trần sớm tham gia lập các đội
hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ khác, lúc đầu nhằm khôi phục cơ
nghiệp cho nhà Lý. Năm 1224, ông được nhà Lý phong làm Điện tiền chỉ
huy sứ, quản lý các đạo quân bảo vệ kinh thành. "Thủ Độ tuy không có học
vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn".
Ông mất tháng Giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi. Lê Quý Đôn chép
trong Kiến văn tiểu lục: "Trần Thủ Độ sau khi chết, chôn ở địa phận xã Phù
Ngự, huỵện Ngự Thiên, nơi để mả có hồ đá, dơi đá, chim đá và bình phong
bằng đá, chỗ đất ấy rộng đến hai mẫu, cây cối um tùm. Về tư điền, trước
vẫn liệt vào hạng thượng đẳng, các quan phủ, huyện, huấn, giáo đến kính
tế".
Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì
cũng thẳng thắn, thường quyết đoán theo ý chí của mình, ít chịu để cho tình
cảm sai khiến. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp
đế của họ Trần. Nhưng hiệu quả lịch sử những việc ông làm đã đưa nước
nhà qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý và khởi dựng nên thời đại Đông
A rực rỡ những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm và những thành tựu
xây dựng đất nước.
Cuối triều Lý, chính quyền trung ương bất lực trước cuộc suy thoái về kinh
tế và hỗn loạn về chính trị. Thiên tai, mất mùa, đói kém xảy ra liên tiếp.
Các thế lực cát cứ nổi lên khắp nơi đánh giết lẫn nhau, cướp bóc bừa bãi.
Ngoài biên thùy, Chiêm Thành và Chân Lạp thường xuyên quấy phá. Đế
quốc Mông Cổ cũng đã tung vó ngựa sang phía Đông đánh Kim, diệt Tây
Hạ, chiếm Triều Tiên, chuẩn bị xâm lược Tống và các nước phía Nam.
Trong lúc ấy, vua Lý Cao Tông vẫn mải mê rong chơi, say đắm thanh sắc,
thích xây dựng cung điện, đền miếu, không thiết gì đến chính sự. Vua Lý
Huệ Tông thì nhu nhược, bệnh hoạn, năm Giáp Thân (1224) truyền ngôi
cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi rồi đi tu ở chùa Chân giáo.
Trần Thủ Độ đạo diễn cuộc chính biến tháng Chạp năm ất Dậu (tức tháng