Thái hậu Dương Vân Nga cùng văn võ bá quan đã đồng lòng tôn Lê Hoàn
làm vua, lấy hiệu là Lê Đại Hành trước khi xuất quân đánh giặc.
Tháng 7-980, vua Tống hạ chiếu phát quân sang xâm lược Đại Cồ Việt. Lê
Đại Hành vừa triển khai binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, vừa cử sứ giả đưa thư
cầu hòa để tránh nạn binh đao. Trước dã tâm và sức ép của giặc, Lê Đại
Hành hạ lệnh chiến đấu, quyết bảo vệ đất nước.
Mùa xuân năm 981, ông đã mang chiến thắng trở về. Cùng với quân dân cả
nước, ông đã tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng lịch sử, thắng
lớn trên cả hai mặt trận thủy, bộ, giết tướng đầu sỏ Hầu Nhân Bảo, tiêu diệt
quá nửa quân Tống, bắt tù vô kể. Vua Tống phải xuống chiếu lui quân.
Đại thắng mùa xuân 981 là đại thắng đầu tiên của một dân tộc phục hưng
sau hơn nghìn năm Bắc thuộc và mở đầu kỷ nguyên Đại Việt tự chủ trước
các triều đại phong kiến phương Bắc.
Trong một phần tư thế kỷ đứng đầu Nhà nước (980-1005), Lê Đại Hành rất
chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về đối nội, thực hiện chống cát cứ, địa phương chủ nghĩa, xây dựng "cơ sở
hạ tầng" của nền kinh tế, chính trị thống nhất.
Về đối ngoại, theo đuổi đường lối nhu thuận nhưng cương quyết xứng đáng
là vị vua mà nội trị, ngoại giao đều xuất sắc.
Từ lúc trẻ cho đến khi qua đời (tháng 3 năm ất Tỵ - 1005), trong gần nửa
thế kỷ oanh liệt, người anh hùng Lê Đại Hành đã hết lòng vì nước, vì dân,
trong mọi hoàn cảnh luôn kiên quyết cùng toàn dân bảo vệ nền độc lập của
Tổ quốc và chăm lo sự nghiệp xây dựng đất nước.
Giáo sư trần quốc vượng