** Tại Lương Xâm (thuộc xã Nam Hải, huyện An Hải, Hải Phòng) còn di
tích một thành đất có hình giống như vành kiệu nên nhân dân quen gọi là
thành Vành Kiệu. Thành đắp trên một gò đất cao, chu vi vào khoảng 1.700
m. Thành đã bị phá hủy nhiều đoạn, phần còn lại dài khoảng 1.300 m, bề
rộng trung bình 1 m, có chỗ rộng 7 m, cao khoảng 0,8 m, chỗ cao nhất 1,6
m. Giữa thành có đền thờ Ngô Quyền nhân dân gọi là Từ Cả. Thần tích câu
đối, truyền thuyết dân gian đều nói Ngô Quyền đắp thành ở Lương Xâm và
di tích còn lại là thành Vành Kiệu. Năm 1981, Khoa Sử Đại học tổng hợp
Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng cắt một đoạn
thành để khảo sát. Nhưng rất tiếc là chưa phát hiện được những hiện vật
đặc trưng để xác định niên đại của thành Vành Kiệu. Thần tích Ngô Quyền
ở Gia Viên (nội thành Hải Phòng) nói ông đã cho lập đồn trại ở đây để
chống giặc Nam Hán.
**** Năm 1953 - 1954, nhân dân địa phương phát hiện được những cọc gỗ
gần cửa sông Chanh, cách sông Bạch Đằng hơn 400 m, thuộc xã Yên
Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, Vụ Bảo tồng Bảo tàng
Bộ Văn hóa, Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện Bảo tàng Lịch sử đã
cùng Sở Văn hóa Hải Phòng, và Ty Văn hóa Quảng Ninh tiến hành khảo
sát, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, còn phát hiện những cọc tương tự ở
cửa sông Kênh (đồng Vạn Muối), cửa sông Nam giáp sông Bạch Đằng,
phía dưới sông Chanh...
Hai mẫu gỗ ở cửa sông Chanh được xác định niên đại bằng phương pháp
các bon phóng xạ, cho kết quả 615+100 và 850+100 năm sau Công
Nguyên. Nhưng theo ý kiến của những người nghiên cứu thì những bãi cọc
này thuộc phạm vi trận địa Bạch Đằng phá quân Nguyên năm 1288, chứ
không phải bãi cọc của Ngô Quyền diệt quân Nam Hán năm 938.
***** Nguyễn Ngọc Thụy, Thủy triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm
938, đã dẫn. Về thời điểm xảy ra trận Bạch Đằng, các bộ chính sử chép
không cụ thể và không thống nhất.
- Việt sử thông giám cương mục chép Ngô Quyền diệt Kiều Công Tiễn và
phá quân Nam Hán vào "mùa thu, tháng chín" năm Mậu Tuất, tính ra
dương lịch là từ 27-9 đến 25-10-938.