lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc (Châu Lộc) là
đoạn núi chót ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũ, dãy núi phía
nam (Tam Đa) là đoạn chót của dải núi chạy dọc sông Mã. Chân phía bắc
núi Châu Lộc là sông Lèn, chân phía nam núi Tam Đa là sông Âu, xưa là
một dòng sông lớn. Thung lũng mở rộng cửa về phía đồng bằng ven biển
và bị chặn ngang về phía tây bởi dòng sông Lèn. ở căn cứ này, ngược sông
Lèn có thể liên lạc với miền quê Bà Triệu. Là địa điểm gần biển, lại là cửa
ngõ từ đồng bằng miền bắc vào Thanh, đó là một vị trí quân sự hiểm yếu,
thuận lợi cả công lẫn thủ.
ở đây còn có núi Chung Chinh với 7 đồn lũy tương truyền là quân doanh
của Bà Triệu, nơi đã từng diễn ra trên ba chục trận đánh với quân Ngô.
Dưới chân núi Tùng, còn có cánh đồng Lăng Chúa (lăng Bà Triệu), đồng
Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc... tương truyền là tên cũ còn lại khi Bà Triệu đắp
lũy xây thành. ở đây còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về ba anh em nhà
họ Lý đi tìm Bà Triệu, rước Bà từ quê ra đây dựng doanh trại, sửa soạn
khởi nghĩa và tôn Bà làm chủ tướng.
Cảm phục chí khí hiên ngang cứu nước của người con gái hai chục tuổi đời,
dân chúng Cửu Chân theo phục Bà rất đông. Các thành ấp của giặc Ngô
đều bị triệt hạ, quan lại giặc từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị
giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan ra Giao Chỉ ở
ngoài bắc. Thứ sử Giao Châu mất tích!
Một câu nói, tương truyền là lời Bà Triệu phát ra trên núi nghĩa, nghìn thu
còn vang vọng mãi:
"Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở
Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ
tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!"
Rất nhiều câu chuyện về tình dân với khởi nghĩa Bà Triệu. Đây là một ông
già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để
ngâm ngợi cổ vũ dân chúng đứng dậy cứu nước; kia một bà cụ hàng nước
cố xin cho con gái được theo quân giết giặc, còn mình thì giúp cả chõng
chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa binh đang trẩy quân qua giải khát.