năm 545. Sang tháng 2 năm 546, quân vũ dũng của Bá Tiên, có hậu quân
Dương Phiêu tới phối hợp, bao vây và công phá, cuối cùng đã hạ được
thành Gia Ninh vào ngày 25. Nhưng Lý Nam Đế cùng một số binh tướng
đã thoát chạy được vào miền động Lão ở Tân Xương (miền đồi núi Vĩnh
Phú trên lưu vực sông Lô). Chiến tranh giữ nước chuyển sang một hình thái
khác. Lý Nam Đế vào vùng núi rừng Việt Bắc, ngoài số binh tướng còn lại
sau trận thất thủ Gia Ninh, đã mộ thêm được nhiều nghĩa quân. Nghĩa quân
dựng lán trại trong rừng, hạ nhiều cây rừng, xẻ ván đóng thuyền bè.
Sau một thời gian chỉnh đốn lại lực lượng, tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế
lại kéo quân từ trong núi rừng "Di Lão" ra hạ thủy trại ở vùng hồ Điển Triệt
(tên nôm là Đầm Miêng) thuộc xã Tứ Yên huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh
Phú, nằm bên bờ sông Lô, cách Bạch Hạc khoảng 15 km về phía bắc. Tuy
nhiên, những trận mưa lũ cuối mùa đã khiến cho nước sông Lô đột nhiên
lên to, tràn vào vùng chằm ao và ruộng trũng, nước ngập tràn, chảy như rót
vào hồ, thuyền lớn có thể đi lại tha hồ mà khu căn cứ nghĩa quân trở thành
một vùng cô đảo giữa biển nước mênh mông... Lợi dụng nước lớn, Trần Bá
Tiên xua chiến thuyền xông trận, đánh trống reo hò mà tiến vào Điển Triệt.
Lý Nam Đế và nghĩa quân bị địch tập kết bất ngờ, không kịp phòng bị,
không sao chống đỡ nổi.
Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Sau lần thất bại lớn thứ ba
này, ông phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú).
Tương truyền, về cuối đời, Lý Nam Đế bị mù. Thần thành hoàng Danh Hựu
vẫn được các làng chung quan gọi là "Vua mù" và khi tế lễ, phải xướng tên
các vật phẩm để thần biết.
Theo sử cũ của Việt Nam, từ sau khi rút về động Khuất Lão, Lý Nam Đế bị
đau yếu luôn. Hai năm sau ông mất (548).
Cuộc kháng chiến chống ách Bắc thuộc của người Việt sau đó được tiếp tục
dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, một tướng cũ của Lý Bí với căn cứ
khởi nghĩa tại đầm Dạ Trạch.
Giáo sư Trần Quốc Vượng