một cách độc lập. Đó là sự ngang nhiên phủ định quyền làm "bá chủ toàn
thiên hạ" của hoàng đế phương bắc, vạch rõ sơn hà, cương vực, và là sự
khẳng định dứt khoát rằng nòi giống Việt phương Nam là một thực thể độc
lập, là chủ nhân của đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh
của mình.
Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí địa lý trung tâm đất nước
của miền sông nước Tô Lịch. Hà Nội cổ, từ giữa thế kỷ 6, bước lên hàng
đầu của lịch sử đất nước.
Cơ cấu triều đình mới, hẳn còn sơ sài, nhưng ngoài hoàng đế đứng đầu, bên
dưới đã có hai ban văn võ. Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng
võ, Triệu Túc làm thái phó, Lý Phục Man được cử làm tướng quân coi giữ
một miền biên cảnh, từ Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Sơn Bình) đến Đường
Lâm (Ba Vì) "để phòng ngừa Di Lão" Triều đình Vạn Xuân là mô hình, lần
đầu tiên, được Việt Nam thâu hóa và áp dụng của một cơ cấu nhà nước
mới, theo chế độ tập quyền trung ương. Lý Nam Đế cho xây một đài Vạn
Xuân để làm nơi văn võ bá quan triều hội.
Nhà nước Vạn Xuân, dù mới dựng, cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau
trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của Việt Nam. Đó là
chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày nay. Ngay
cái tên, "chùa Mở Nước" cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa!
Đầu năm 545, nhà Lương bắt đầu tổ chức cuộc xâm lược Vạn Xuân nhằm
chinh phục lại châu Giao, "thuộc quốc" cũ. Dương Phiêu được cử làm thứ
sử châu Giao. Trần Bá Tiên, viên tướng vũ dũng xuất thân "hàn môn"
nhưng có công đánh dẹp châu Quảng, được cử làm tư mã Giao Châu, lĩnh
thái thú Vũ Bình, cùng Dương Phiêu tổ chức cuộc chinh phục Vạn Xuân.
Quân Vạn Xuân có khoảng vài vạn người giữ thành ở cửa sông Tô Lịch,
chiến đấu chống giặc.
Thành đất, lũy tre gỗ, không mấy kiên cố, bị Trần Bá Tiên thúc giục quân
vũ dũng công thành ráo riết. Lý Nam Đế buộc phải lui binh ngược sông
Hồng, về giữ thành Gia Ninh trên miền đồi núi trung du vùng ngã ba sông
Trung Hà - Việt Trì.
Cục diện cố thủ của Lý Nam Đế ở thành Gia Ninh kéo dài suốt mùa khô