đã đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến công bình Nguyên năm
1285 và 1288, trong đó Nhân Tông là vị chủ soái.
Khi nhìn nhận nguyên nhân thắng lợi nhà Trần đã giành được trong sự
nghiệp cứu nước. Trần Nhân Tông đã đánh giá cao vai trò của nhân dân lao
động (thời đó sử cũ chép là gia nô, gia đồng). Ông cho rằng chính họ mới là
những người trung thành với đất nước khi có giặc ngoại xâm. Đại Việt sử
ký toàn thư chép: "Vua (Nhân Tông) ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp
gia đồng của các vương hầu tất gọi rõ tên mà hỏi: "Chủ mày đâu?" và dặn
dò các vệ sĩ không được thét đuổi. Khi về cung, vua bảo các quan hầu cận
rằng: "Ngày thường có kẻ hầu cận hai bên, lúc Nhà nước hoạn nạn thì chỉ
có bọn ấy đi theo thôi".
Sau 14 năm làm vua, theo truyền thống của nhà Trần, Nhân Tông nhường
ngôi cho con là Anh Tông, rồi làm Thái thượng hoàng và đi tu, trở thành
Tổ thứ nhất phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc
sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Xét trên bình diện triết học, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng. Ông
là một triết gia lớn của Phật học Việt Nam. Với phái Thiền Trúc Lâm mà
Trần Nhân Tông là người đứng đầu, triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần
đã phát triển rực rỡ và thể hiện được đầy đủ trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt
Nam. Nét đặc trưng nổi bật của tư tưởng triết học Trần Nhân Tông là tinh
thần thực tiễn, chiến đấu, táo bạo. Sách Tam Tổ thực lục viết: "Một học trò
hỏi Điều ngự Nhân Tông: "Như thế nào là Phật?" Nhân Tông đáp: "Như
cám ở dưới cối". Hoặc, một lần học trò hỏi Nhân Tông: "Lúc giết người
không để mắt thì như thế nào?" Đáp: "Khắp toàn thân là can đảm"...
Anh hùng cứu nước, triết nhân và thi sĩ, ba phẩm chất ấy kết hợp hài hòa
với nhau trong con người Trần Nhân Tông. Về phương diện thi sĩ, ông là
người có một tâm hồn thanh cao, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, tao
nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch đương biên,
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.