Đáng tiếc, từ phát biểu của Alan Phan, những ai kỳ vọng vào một cuộc tranh
luận mở để từ đó, các cơ quan chức năng có thể đưa ra những quyết sách
phù hợp nhất cho thị trường hiện nay, sẽ cảm thấy thất vọng. Câu lạc bộ Bất
động sản Hà Nội, cho dù không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bất
động sản Việt Nam, đã lên tiếng một cách không theo lối tranh luận thông
thường.
15 câu hỏi mà câu lạc bộ này gửi đi ghi rõ là để “chất vấn”, trong khi tính
chính danh của bảng câu hỏi cũng đáng bị nghi ngờ: danh mục cập nhật của
câu lạc bộ đăng trên website mới chỉ có chưa đầy 200 thành viên cả thể nhân
và pháp nhân, thay vì “1.000 thành viên” như đã giới thiệu.
Người tinh ý
cũng sẽ nhận ra rằng, danh mục thành viên của câu lạc bộ này không có
nhiều đại gia đã và đang làm mưa làm gió trên thị trường mấy năm qua.
Không chỉ vậy, chính nội dung các câu hỏi mới đáng quan tâm nhất: thay vì
tạo ra không khí phản biện và tranh luận, nhiều câu hỏi đã vượt quá khuôn
khổ của vấn đề.
Sẽ tốt biết bao nếu câu lạc bộ cử ra một vài chuyên gia, trên tinh thần thiện
chí, cùng tranh luận mở với Alan Phan, dưới sự chứng kiến của truyền
thông, về vấn đề cứu hay không cứu thị trường, thay vì những câu hỏi đại
loại như, “ông đã có nhiều nghiên cứu với thị trường Việt Nam hay chưa”?
Hay “kinh nghiệm thực tế của ông với thị trường bất động sản Việt Nam là
gì”?
Thái độ khá “căng thẳng” của phía Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội và
những người ủng hộ còn thể hiện ở những bài báo công kích chính… cá
nhân Alan Phan, nêu lại những thất bại trước đây của vị chuyên gia này. Nếu
chứng minh được sự cần thiết, thông qua những con số và lập luận thuyết
phục, về việc cần có các chính sách giải cứu thị trường, vì sao Câu lạc bộ
Bất động sản Hà Nội không làm điều đó qua những bài tham luận, kiến nghị
của mình?