TS Alan Phan: Theo sự quan sát kinh nghiệm cá nhân mình và người quen,
chú nhận thấy một doanh nhân khi làm phi vụ đầu tư hay thương mại, đều có
một tỷ lệ cân xứng giữa thành công và thất bại. Trong 10 việc, giỏi lắm là
thành công hay thất bại lớn trong 3, 4 lần…còn lại là làng nhàng không đi
đến đâu (có nghĩa là mất thời gian và các cơ hội khác).
Vì hiện tượng này phổ thông như vậy, nên “khoe ra khi thắng và giấu đi khi
thua”, cũng chẳng ích gì cho giá trị cốt lõi của sự nghiệp mình. Tuy nhiên,
chú cũng ít khi day dứt hay hối tiếc với thất bại một cách quá đà. Khi thua
trận, chú chỉ bỏ ra vài ngày nghiên cứu lý do và ghi nhớ bài học, rồi xếp nó
vào cái file archive, chỉ mở ra khi cần thiết. Trong khi đó, việc chăm chú vào
những cơ hội tiềm năng trước mặt để kiếm lại số tiền vừa mất quan trọng
hơn nhiều.
Quang: Cháu vẫn nghĩ chú là người hay hoài niệm về quá khứ?
TS Alan Phan: Chỉ về những quá khứ mang nhiều ký ức, kỷ niệm đẹp mà
mình trân trọng. Còn những cay đắng, khó khăn, ngu xuẩn…hãy nên quên đi
cho nhẹ hành lý.
Quang: Chú có thể bắt đầu bằng tình huống nào khiến chú đầu tư làm ăn ở
VN mà đã làm chú mất gần 2 triệu dollars?
TS Alan Phan: Thực ra đó không phải là một quyết định kinh doanh bình
thường. Chú vừa xong bằng DBA bên Úc, không muốn quay lại làm việc và
sống bên Hồng Kong hay Shanghai sau 10 năm, nên nghĩ mình nên bỏ ra vài
năm lang thang các nước Đông Nam Á ăn chơi thư giãn. Nhưng bạn bè, nhất
là ở VN, cứ rủ rê. Trước đó khi làm việc ở Trung Quốc, hay về VN chơi,
cũng bị rủ rê hoài. Kết quả là trong nhiều năm, cho vay mượn rồi đầu tư cả
vài trăm ngàn rồi cũng mất hết. Chỉ là số tiền nhỏ, nhưng mất bạn bè bà con
là điều khó chịu hơn.