T/S ALAN PHAN: KINH TẾ VIỆT NAM 2030
Do Trần Lương thực hiện – Phóng Viên Độc Lập tại Hoa Kỳ – 4 April 2014
Ông từ chối không đưa ra dự đoán cho nền kinh tế nước nhà trong những
năm tới. Ông có thể cho biết lý do?
Alan Phan: Muốn có một dự đoán khoa học tương đối chính xác, chúng ta
cần những số liệu thống kê khả tín, và hiểu rõ những tác động của thị trường
cùng các tham dự viên. Ở Việt Nam, những con số chính thức thường được
ngụy tạo, thổi phồng; và yếu tố tác động lớn nhất lên nền kinh tế là từ chính
sách của nhà cầm quyền, trung ương cũng như địa phương, sau bức màn tre.
Tôi không nghĩ các chuyên gia có thể vượt qua rào cản này để dự đoán có
một góc độ chính xác nào theo chuẩn thế giới.
Nhưng ông lại đồng ý đưa ra dự đoán trong dài hạn, vào 2030?
Alan Phan: Về lâu về dài, các số liệu không đo lường chính xác lắm vì
những biến chuyển liên tục của tình thế. Chúng ta có thể hình dung một
tương lai rõ rệt hơn khi dựa trên những trào lưu (trends) của toàn cầu và
Đông Nam Á (ASEAN), và những tác động tiêu biểu của đặc tính quốc gia.
Tuy nhiên, phải nói ngay là định kiến chủ quan và trực giác của cá nhân sẽ
là những nguyên tố chính tạo ra dự đoán. Do đó, nhiều chuyên gia thống kê
sẽ không đồng thuận với phương cách này.
Vậy vào khoảng 2030, tình hình tổng quan toàn cầu ra sao, theo ông?
Alan Phan: Tôi nghĩ trừ trường hợp có những đột phá về công nghệ cao,
như Internet thời 80’s; hoặc chiến tranh lớn, hoặc một biến cố “thiên nga
đen” (black swan), kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng theo tốc độ hiện
nay, khoảng 4 đến 5% mỗi năm; cùng với vài khủng hoảng nhỏ từng vùng,
không đáng kể. Thay đổi nhiều nhất có lẽ là Trung Quốc, từ XHCN chuyển
qua một định chế “dân chủ vỏ bọc” gần giống Nga hiện nay: một nền kinh tế
chính trị có hình thức tư bản nhưng thực sự được kiểm soát chặt chẽ bởi các
đại gia liên kết với cựu quan chức an ninh (mafia-led oligarchs).