trong biển lớn; và giúp duy trì hay cải tạo tầm nhìn chiến lược trong trận
chiến, thường hay bị nhiễu sóng vì số lượng thông tin và những vấn nạn
hàng ngày trong điều hành.
SỨC MẠNH CỦA KẾ HOẠCH
Tôi còn nhớ khoảng 1998, tôi được một nhóm bạn Mỹ gốc Hoa mời đi theo
để tư vấn khi công ty mới lập của họ, Hello Asia, đi gặp một quỹ đầu tư mạo
hiểm. Tôi không có chút kỳ vọng gì vì tất cả tài sản của công ty (chưa hoạt
động) chỉ là một bản kế hoạch kinh doanh. Nào ngờ trong cái môi trường
bong bóng của hiện tượng dotcom, quỹ đầu tư đã đồng ý góp 10 triệu đô la
cho một ý tưởng trên 100 trang giấy.
Sản phẩm đầu tiên của họ là một hệ thống Email miễn phí, gọi asiamail. Đây
là một cóp nhặt từ hotmail.com (Microsoft vừa mua lại) và đang triển khai
rất mạnh trên thị trường (Yahoo chưa tham dự và Google chưa chào đời).
Chúng tôi đùa nhau là mỗi trang giấy các anh viết trị giá 100 ngàn đô, hơn
tác giả của bất cứ cuốn sách best seller nào.
KẾ HOẠCH PHẢI CHI TIẾT NHƯNG KHOA HỌC
Một kế hoạch kinh doanh thường không đòi hỏi nhiều thời gian hay nguồn
lực như phần lớn doanh nhân giả định. Dĩ nhiên, trong những trường hợp
khởi nghiệp với sự eo hẹp về kiến thức trong ngành nghề, các doanh nhân
cần một thời gian dài để nghiên cứu (ít nhất là 3 tháng trên Net và thư viện,
qua các buổi hội họp với tư vấn hay đồng nghiệp, các cơ quan chính phủ hay
viện đại học...).
Còn khi đã hoạt động hay đã nắm vững nhiều kiến thức trong nghề, các
doanh nhân khác chỉ cần mất hơn vài tuần là đã có những dữ kiện, thông
tin... chính xác để kết cấu thành những phân tích về sản phẩm, về thị trường,
về công nghệ, về tài chính...
Bản kế hoạch kinh doanh thường chia ra thành 5 phần chính:
Sản phẩm hay dịch vụ, thị trường và đối thủ cạnh tranh, công nghệ hay quy
trình sản xuất cùng nhu cầu về cơ sở, thiết bị, ban quản lý và nhân lực.