Lịch sử kinh tế đã chứng minh rằng, một công ty thịnh vượng nhất khi đạt
được “trạng thái ổn định”, trong đó môi trường cạnh tranh có thể dự đoán
được và các ông chủ hoàn toàn tự tin về những gì họ đang làm. Theo
nguyên tắc tự tổ chức - một phần trong “Học thuyết hỗn loạn” nghiên cứu
về những trật tự đằng sau những hệ thống phức tạp mà mới nhìn qua thì
tưởng chừng như chúng rất hỗn loạn - những “trạng thái ổn định” đó được
gọi là “điểm thu hút”. Khi một công ty phát triển, nó sẽ bị thu hút bởi một
trong ba trạng thái mà chúng ta có thể tạm gọi là: cái kéo, tờ giấy và hòn đá.
Công ty ở trạng thái “cái kéo” (tạm gọi là công ty “cái kéo”) thường là một
công ty mới bắt đầu hoạt động hoặc một công ty nhỏ, thông thường chỉ có
một thương hiệu. Đặc điểm dễ phân biệt của công ty “cái kéo” là sự tập
trung mạnh mẽ. Hình thức cạnh tranh của những công ty này là cắt xén một
phần nhỏ thị trường (hay còn gọi là “khoảng trắng”) từ thị trường lớn bị
thống trị bởi các công ty lớn hơn hay còn gọi là công ty “tờ giấy”, thường
do quá bận rộn hoặc quá chậm chạp trong việc phản ứng lại hành động cắt
xén thị trường của công ty “cái kéo”.
Khi công ty “cái kéo” bắt đầu gặt hái được thành công và trở nên lớn mạnh,
nó sẽ từ từ chuyển sang trạng thái “hòn đá”, có quy mô tổ chức vừa phải với
nhiều thương hiệu hơn và ít tập trung hơn. Đặc điểm nổi bật của công ty lúc
này không còn nằm ở sự tập trung mà là ở động lực. Các công ty “hòn đá”
phát triển bằng cách tiêu diệt những công ty “cái kéo” nhỏ không đủ khả
năng đối đầu trực tiếp với chúng.
Khi công ty “hòn đá” phát triển tới một mức độ nhất định, động lực giúp
công ty lớn mạnh sẽ giảm dần, lúc này công ty chuyển sang trạng thái “tờ
giấy”. Với quy mô khổng lồ bao gồm nhiều thương hiệu hơn và đa dạng
hóa hơn, các công ty “tờ giấy” tồn tại bằng cách sử dụng mạng lưới bán
hàng và tiềm lực kinh tế của mình để bao vây các công ty “cái kéo”.
Và vòng tròn cứ tiếp tục tiếp diễn như vậy.