Lời số 108
“Trong một cuộc chiến đấu giá, khôn ngoan nhất là chọn phía thua
cuộc.”
***
Một cuộc chiến đấu giá nghĩa là giá cả sẽ càng ngày càng tăng cao khi cả
hai bên tranh giành nhau, và nghĩa là tỉ suất đầu tư sẽ càng ngày càng co
hẹp lại. Giá càng tăng thì thương vụ càng kém hấp dẫn, và nếu giá tăng quá
cao, nó có thể là một thảm họa. Hiện tượng thường xảy ra trong cuộc chiến
đấu giá là cảm xúc lấn lướt suy nghĩ lý trí, và một CEO có cái tôi quá lớn có
thể phải trả một cái giá cực kỳ đắt bằng đồng tiền của cổ đông. Bạn rất dễ
rơi vào cái bẫy chi trả quá nhiều nếu đó là tiền của người khác, và chưa có
ai làm giàu được bằng cách trả quá nhiều cho một thứ nào đó.
Nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng vào ngành bán lẻ: Nếu bạn có
thể mua được sản phẩm với giá rẻ hơn đối thủ, thì bạn có thể bán cho người
tiêu dùng với giá rẻ hơn, và đánh bại đối thủ khỏi cuộc đua mà vẫn giữ
được mức lợi nhuận của mình. Đây là mô hình kinh doanh của Nebraska
Furniture Mart. Họ dùng tiền mặt để mua hàng từ các nhà bán sỉ, đồng thời
họ mua với số lượng lô hàng lớn, thường bằng cả tháng sản xuất, vì vậy họ
có thể thương lượng giá thấp hơn những đối thủ mua hàng trả chậm. Như
vậy NFM có thể bán hàng với giá thấp hơn, thu hút được nhiều khách hàng
hơn, trong khi vẫn giữ được mức lợi nhuận của mình. Họ bán rẻ nhưng
kiếm được nhiều tiền hơn vì họ bắt đầu với mức giá mua vào thấp. Mức giá
bán ra không phải lúc nào cũng quan trọng bằng mức giá mua vào, nhất là
trong ngành bán lẻ.