từ điển tác phẩm đầu tiên (và đến nay vẫn là duy nhất) ở Việt Nam. Đào
Duy Anh không phải là người đầu tiên trong khoa từ điển học Việt Nam,
nhưng ông là người biết nên làm vào lúc nào và nhất là biết làm như thế
nào để đáp ứng nhu cầu bức thiết của thời đại. Đào Duy Anh là người quan
tâm đến nhiều lĩnh vực. Hình như, với một cái nhìn mới nên ở đâu ông
cũng thấy đấy là mảnh đất trống cần khai phá. Nhưng lĩnh vực ông quan
tâm nhất là sử học, đặc biệt là cổ sử. Đào Duy Anh coi lịch sử là phương
tiện tốt nhất để thức tỉnh hồn nước, đặc biệt là để nhận diện ở tầm học thuật
cái vấn đề bức thiết Việt Nam, anh là ai?
Cổ sử Việt Nam với Đào Duy Anh có một sự hấp dẫn đặc biệt. Ông nghiên
cứu Việt Nam tận nguồn để phân biệt đâu là yếu tố nội sinh, đâu là yếu tố
ngoại sinh, để trên cơ sở đó nghĩ về những vấn đề lịch sử đương đại Việt
Nam. Về nguồn gốc người Việt, ông đánh đổ những giải thích sai lầm của
các nhà sử học thực dân. Ông cho quê hương đầu tiên của người Việt là ở
phía nam sông Dương Tử, về sau do sức ép của người Hán nên phải di cư
xuống châu thổ sông Hồng. Biểu tượng chim Lạc trên trống đồng, thuyền
đưa linh, vua Rồng (Lạc Long Quân) đã nói lên điều đó. Văn hóa đồ đồng
Lạc Việt không phải đến từ Mã Lai, cũng không từ Trung Hoa, nó là bản
địa. Đào Duy Anh viết cổ sử với một phương pháp đặc biệt. Tôi nhớ năm
1981, khi mới chuyển ngành từ lính về Nhà xuất bản Ngoại văn, tôi đọc Cổ
sử Việt Nam say mê như đọc tiểu thuyết. Đào Duy Anh trình bày sự ra đời,
được khẳng định và bị thay thế của các giả thuyết khoa học về nguồn gốc
của người Việt, kể cả giả thuyết của chính tác giả, kèm theo lời giải thích,
đánh giá, bình luận của ông. Bởi vậy, người đọc được cùng với Đào Duy
Anh tham gia vào hành trình vận động của tư tưởng khoa học, học được
phương pháp nghiên cứu khoa học, thái độ tôn trọng tư liệu, tôn trọng ý
kiến của người khác, sự tự do tư tưởng trong học thuật.
Chuyển sang Viện Sử, Đào Duy Anh được phân công hiệu đính tư liệu
dịch. Một công việc, tuy quan trọng thật, nhưng là khổ ải với người sáng
tạo. Khi hiệu đính bản dịch Phủ biên tạp lục, một tác phẩm quan trọng của
Lê Quý Đôn, Đào Duy Anh bỗng nhận ra mình đang ở trong một lĩnh vực
mới: địa lý học lịch sử. Nhà khoa học trong ông trỗi dậy. Ông lại lao vào