bỏ ý định họp chi bộ. Dù vậy, cụ rất áy náy về chuyện này và cụ đi đến
quyết định dứt khoát: không ăn quả táo.
Nhưng nghĩ cho cùng thì quả táo cũng là tài sản xã hội chủ nghĩa, không
nên bỏ phí đi. Thế thì làm thế nào?
Cụ lại trằn trọc suốt một đêm nữa, mãi đến gần sáng cụ mới tìm ra một
giải pháp. Một giải pháp rất hay, rất sáng tạo, vừa có tính quần chúng lại
vừa có giá trị giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng "mình vì mọi
người" một cách cụ thể và sâu sắc.
Rất may, hôm nay nhằm sáng chủ nhật, người bí thư già liền bỏ quả táo
vào túi, lên xe đạp, lọc cọc đến nhà cô giáo Hòa.
Lũ con của cô giáo đã thức dậy và đang chơi nhảy dây trong hẻm. Thấy
có khách đến, chúng chạy ùa về, gọi ríu rít:
- Má ơi ! Có ông đến thăm.
Thấy khách là cụ bí thư, Hòa ngượng quá. Miệng thì mời ngồi mà tay thì
mở cái mùng vải cũ xì ra sếp lại, dọn mấy thứ rau lang rau muống vung vãi
tung tóe khắp nhà. Ông cụ thấy chị tíu tít thì cười, bảo chị ngồi xuống ghế:
- Mấy nhỏ lại đi đâu rồi?
- Chắc chúng đi nhảy dây.
Ông cụ lấy quả táo ra đưa cho Hòa:
- Cho chúng nó.
Hòa trố mắt nhìn quả táo:
- Ở đâu có trái táo ngon quá vậy?
- Đây là tiêu chuẩn của thủ trưởng nhưng đồng chí ấy thấy tôi già yếu
nên nhường cho tôi. Nhưng tôi lại muốn ưu tiên dành cho thiếu nhi. Tặng
cho các cháu là đúng hơn cả.
Ông cụ tặng quả táo xong, cáo từ ra về.
Hòa cầm quả táo trên tay mà xúc động muốn chảy nước mắt. Tự nhiên
trong lòng chị, những tình cảm cao đẹp lại nổi lên. Chị thấy mình nhận quả
táo là có lỗi. Chị không thể nào quên việc ông thủ trưởng nhịn ăn sáng đi
làm, thế mà có được quả táo ngon lại nghĩ đến cụ bí thư già. Còn cụ già thì