- Thôi được, ông chủ trường nói, thầy về nhà, khi nào có kết quả chúng
tôi sẽ cho người đến mời.
Ông xếp hồ sơ của Nguyễn Văn X qua một bên rồi gọi người kế tiếp.
Đơn của tôi xếp hàng thứ tám. Hồ sơ gồm có một bản sao văn bằng cử
nhân, một bản sao giấy hoãn dịch gia cảnh, và một ảnh bốn sáu. Yếu tố "ăn
tiền" nhứt trong hồ sơ của tôi là tấm giấy hoãn dịch gia cảnh, bởi vì dưới
con mắt đầy kinh nghiệm của ông chủ trường thì tấm giấy hoãn dịch gia
cảnh cũng gần giống như tấm giấy miễn dịch vĩnh viễn. Dĩ nhiên sau khi bị
hỏi cung rất cặn kẽ để tìm hiểu cái "gia cảnh" của tôi, ông chủ trường cũng
xếp hồ sơ qua một bên, nói mấy lời hứa hẹn và gọi đến người kế tiếp.
Nhưng tôi biết tôi có nhiều hy vọng được thu dụng, căn cứ vào những câu
hỏi tỉ mỉ về đời tư của tôi như thói quen, tình hình sức khỏe, chuyện tình
cảm…
Quả nhiên, chỉ ba hôm sau, tôi được mời đến nhận việc. Tôi dạy ở đây
bốn năm, mỗi năm phải dành dụm hai trăm ngàn (tiền cũ) để lập một cái hồ
sơ ma về "gia cảnh" mà gởi lên Nha Động Viên tiếp tục hoãn dịch.
Dạy học chủ yếu không phải là để cho học trò hiểu mà để cho học trò
thích. Muốn như thế dù anh dạy môn gì cũng phải biết nói tiếu lâm, biết kể
chuyện trên trời dưới đất, và nhất là biết nói triết lý, biết xen vào bài giảng
những đoạn về "tình dục", nếu cần móc thêm một đoạn về "độc cô cửu
kiếm" của Lệnh Hồ Xung hay vài ba thủ đoạn "xỏ lá" của Vi Tiểu Bảo là ăn
đứt.
Phần lớn học trò ngày trước chúng nó chẳng bao giờ lại thắc mắc tại sao
bài giảng của thầy lại lạc đề, lại vòng vo tam quốc đâu mà sợ. Bởi vì những
thanh niên cao nhồng kia, những chàng trẻ tuổi hippy "đẹp trai con nhà
giàu học giỏi" kia cắp sách tới trường đâu có phải để học mà chỉ để trốn
lính (có nhiều lúc đang dạy, tôi suýt bật cười nhận ra cả thầy lẫn trò đều
dùng trường học để làm nơi trốn lính). Cho nên tôi cũng không còn buồn
khi kêu một học sinh lớp 12 lên bảng, nhìn nó cầm viên phấn viết một câu
tiếng Việt vỏn vẹn có 12 từ mà sai chánh tả hết ba, còn chữ nghĩa thì méo
mó cong vòng, chân thấp chân cao.