Ban đầu tôi tưởng số học sinh mất căn bản ấy chỉ chiếm ít thôi nhưng sau
bốn năm dạy học, dạy nhiều lớp, kể cả những lớp đi thi, tôi mới ê chề nhận
ra sự thật: đó là 70 phần trăm mất căn bản, 20 phần trăm học dốt, chỉ có 10
phần trăm là học được.
Tuy nhiên, Ông Chủ Trường là một nhà giáo tốt bụng và đầy lòng nhân
từ. Học sinh học dốt cách nào, mất căn bản tới đâu, một năm vắng mặt bao
nhiêu tháng ông cũng chẳng nỡ la rầy quở phạt, ông cứ cho chúng nó lên
lớp tuốt hết. Một trăm phần trăm. Em nào đóng học phí đủ nhà trường sẽ
cấp chứng chỉ học trình và chuyển hồ sơ hoãn dịch đi, bằng không….
Cũng có một số người băn khoăn và đau xót cho một nền giáo dục như
thế nhưng họ vẫn cúi mặt tiếp tục làm thuê vì họ phải nuôi vợ con, còn tôi,
tôi độc thân, tôi còn trẻ, không dạy học tôi làm nghề khác cũng không chết.
Thế là tôi cự ông hiệu trưởng. Ban đầu, ông trấn áp tôi, nhưng sau thấy tôi
bất cần ông lại thôi hăm he, ông đấu dịu:
- Anh còn trẻ, anh không hiểu đời bằng tôi đâu. Đồng ý rằng anh có
lương tâm nghề nghiệp, điều đó rất tốt nhưng lỗi thời rồi. Anh chê trường
tôi buôn bán bằng cấp hả? Hà… hà… Vậy thì anh đi đâu? Anh làm ơn chỉ
giùm cho tôi coi cái trường nào ở cái nước Việt Nam Cộng Huề này mà
không mua bán bằng cấp, không trốn lính? Anh chỉ đi!
Ông chủ trường nghinh nghinh nhìn tôi rồi cười khà khà, môi dưới trễ ra,
bập bập cái tẩu thuốc to tổ bố.
Khi Hiệp định Paris tái lập hòa bình ở Việt Nam được ký kết thì cả tôi
lẫn đám học trò trốn lính của tôi đều rất mừng, đều nghĩ rằng từ đây chúng
tôi hết bị cái bóng ma "lệnh động viên" đe dọa và khỏi tốn những món tiền
hàng tháng hàng năm để lo chạy giấy hoãn dịch. Nào ngờ chính quyền đôn
quân bắt lính còn gắt hơn trước.
Cuối năm 1974, Sài Gòn nổ ra những cuộc biểu tình của thanh niên, sinh
viên học sinh chống đôn quân bắt lính. Không khí đấu tranh sôi nổi hồi ấy
đã nhanh chóng lan đến trường chúng tôi như những đợt sóng càng lúc
càng mạnh. Học sinh bàn tán xôn xao, rục rịch muốn xuống đường. Và phát
xuất từ một nhóm học sinh nồng cốt, cuộc biểu tình cũng nổ ra từ lớp tôi,