Như vậy, ở đây, sự thật về tồn tại (existence) hay thực tế (reality) là định lý y
tánh duyên khởi pháp (pratĩtya- samutpãda = lý Duyên khởi) mà đức Phật đã
chứng nghiệm trong 21 ngày ngồi tại cội Bồ đề. Duyên khởi có thể hiểu là
‘hiện khởi trong sự hỗ tương lệ thuộc’ hay ‘do các duyên phối hợp mà pháp
sinh khởi’. Phần đầu của tên (pratĩtya) loại bỏ tà kiến chấp thường, vì pháp có
là do các duyên phối hợp cho nên không thường hằng. Phần sau (samutpãda)
ngăn chặn tà kiến chấp đoạn, vì có sự sinh khởi các pháp khi duyên hội đủ. Cả
hai phần gộp lại biểu thị Trung đạo, nghĩa là không chấp thường không chấp
đoạn.
Một cách giải thích khác: ‘Toàn bộ y duyên tánh này tác động hỗ tương lệ
thuộc, khởi lên những pháp đồng đẳng với nhau.’ Như vậy, sự vật trong vũ trụ
sinh khởi không do một quyền năng siêu nhiên như Thượng Đế. Vũ trụ không
phải là hơi thở, là một giấc mộng của đấng Phạm Thiên (Brahman), nghĩa là
vạn vật không phát sinh từ một Nguyên nhân Tối sơ, một Bản thể tuyệt đối có
tính chất thường tịch, vô sinh, và vô trụ, đồng nhất với tự thể (ãtman) tức căn
để bất diệt của hiện tượng con người. Tất cả không phát xuất từ một nguyên
nhân cho nên vạn hữu nhất định xuất hiện do nhiều nhân. Nói khác, tất cả đều
là sản phẩm do hỗ tương lệ thuộc, hiện hữu quan hệ trong tiến trình nhân
duyên.
Đúng hơn, khái niệm Duyên khởi là một khái niệm về Không, tại vì không
có một cái gì vượt ra ngoài (siêu nhiên), nằm bên trong (bản thể), hay ở
khoảng giữa (đối thiên trung) các hỗ tương lệ thuộc. Không ở đây không phải
khái niệm ‘không’ đối đãi với khái niệm ‘có’. Không ở đây là thực tại của vạn
hữu vượt thoát mọi khái niệm của nhận (thức thông thường, là một tấm vải trên
đó duyên sinh tô vẽ những bức họa vô cùng sặc sỡ. Như thế, Không đến trước
nhưng không phải trước trong thời gian vì thời gian giả định một chuỗi duyên
sinh. Cái đến trước có nghĩa là cái căn bản. Khi người ta có thể nghĩ đến duyên
sinh hay tương đối tính được, là vì Không đã sẵn trong chúng. (D. T. Suzuki,
Thiền luận. Tập Hạ) Câu cuối diễn tả cùng một ý nghĩa với khẩu quyết lừng
danh của Bồ tát Long Thọ: ‘‘Dĩ hữu Không nghĩa cố/ Nhất thiết pháp đắc
thành/’’ (trong bài tụng Trung luận XXIV. 14). Dịch thoát: ‘Mọi pháp do
Không mà có’ hay ‘‘Các pháp phải Không (vô tự tính) thời mới có thể hiện
hữu’’. Vì do duyên sinh sự hữu của vạn vật lệ thuộc nhân duyên, nghĩa là sự
hữu không có yếu tính quyết định nên toàn là giả hữu. Đối với những sự vật