Địch Nhân Kiệt dằn mạnh chén rượu xuống bàn, nổi giận hỏi, “Có trời đất
chứng giám, vì lý gì ngươi lại không báo án? Làm sao quan viên chúng ta
có thể làm tròn phận sự khi mà dân chúng cứ giữ bí mật hoặc nói năng úp
úp mở mở như thế?”
“Bẩm đại nhân, gia phụ của tiểu sinh là con người cầu toàn,” thi sĩ áy náy
đáp, “trước khi tìm hiểu rõ sự tình, ông không muốn đưa việc này lên công
đường. Những lần gia phụ viếng thăm đạo quán, Ngọc Kính Chân nhân
chưa bao giờ đề cập đến chuyện đó. Hơn nữa, vào thời điểm ấy, cố đạo
trưởng đã ngoài thất thập, có những khi thần trí không được sáng suốt. Gia
phụ sợ là ngài đã tưởng tượng ra nhiều chuyện không có thực. Ông cho
rằng trước khi những cáo buộc mơ hồ của Ngọc Kính Chân nhân được xác
minh, tốt nhất nên án binh bất động. Thậm chí ông còn không muốn thỉnh
giáo Tôn Thiên sư khi chưa có bằng chứng xác thực. Thật không may là gia
phụ tiểu sinh ngã bệnh rồi qua đời đúng lúc ấy. Trước lúc lâm chung, ông
đã trăng trối với tiểu sinh là phải đến đây điều tra kín đáo.”
Tông Lê thở dài rồi nói tiếp, “Bẩm, sau khi gia phụ qua đời, tiểu sinh đã
bận bịu thu xếp gia sự trong vài tháng trời. Ngài cũng biết tiểu sinh là
trưởng nam của Tông gia. Rồi một tranh chấp phức tạp về địa giới xảy ra,
vụ kiện tụng kéo dài suốt nhiều tháng liền. Mất trọn một năm tiểu sinh mới
bắt tay điều tra nơi này được. Tiểu sinh đã ở đây được hai tuần mà chưa có
chút tiến triển nào. Cái chết của ba cô nương ở nơi này đều được giải thích
trơn tru, không có bất kỳ dấu hiệu nào dù chỉ nhỏ nhất cho thấy ba nàng ấy
bị kéo vào những cuộc truy hoan đồi bại.
“Về phần vụ mưu sát Ngọc Kính Chân nhân, công việc điều tra của tiểu
sinh bị cản trở. Ngoại nhân không được phép bén mảng tới khu phía bắc
của đạo quán, trong khi tiểu sinh muốn xuống địa cung để xem xét chỗ di
vật của cố đạo trưởng. Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, tiểu sinh quyết
định sẽ rung cây dọa khỉ. Biết đâu nếu Chân Trí đạo trưởng thật sự có tội,
ông ta sẽ sợ hãi mà để lộ sơ hở hoặc hành xử khinh suất trước mặt tiểu sinh