395
Giới địa chủ hăng sức, còn khả năng khai khẩn thêm
đất (mượn vốn của mại bản, của bọn cho vay). Nghề làm
điền chủ thâu lợi to nhưng trước mặt họ có hai chướng
ngại lớn: thực dân Pháp và mại bản.
Nhờ vốn liếng to đem từ Hương Cảng, Singapore
lại thêm kinh nghiệm làm ăn nên mại bản và tư sản
thương nghiệp Hoa kiều từ lâu bóc lột giới điền chủ.
Thị trường tự do nhưng trong thực tế giá lúa lên xuống
đều do bọn mại bản và tay sai qui định. Không bán cho
chúng thì bán cho ai? Và chẳng ai chịu mua với giá cao
hơn. Muốn chở lúa đi bán thường là nhờ ghe của Hoa
kiều, muốn mua đồ tạp hóa đem về bán cho tá điền, lại
nhờ giới bán sỉ Hoa kiều. Đồ tạp hóa, phương tiện giao
thông vận tải, máy móc và thiết bị nhà máy xay lúa nằm
trong tay giới mại bản.
Giới đại điền chủ và công chức Nam Kỳ muốn mở
mang thương mãi và kỹ nghệ, dẹp những độc quyền mà
bọn nói trên thao túng nhờ núp oai thực dân. Nhưng mặt
khác, giới điền chủ cũng nhờ vào thực dân để bóc lột địa
tô: thời ấy, địa tô cao thấp tùy theo sự quy định của từng
vùng, của điền chủ, luật pháp chẳng can dự vào. Lại còn
nạn cho vay nặng lời. Vay lúa tính lời trăm phần trăm;
một giạ vốn tới mùa trả hai giạ. Tá điền bị mất mùa, trả
không nổi, tiền lời đắp vào vốn, năm sau phải trả bốn giạ;
nếu lại mất mùa hoặc vì lý do con đau vợ ốm trả không
nổi thì năm thứ ba trả tám giạ. Tính theo lối ăn lời cắt
họng ấy, một giạ lúa vay trong mười lăm năm liên tiếp
mà không trả thì đẻ ra số nợ 1.024 giạ, trên lý thuyết.