49
Đồng Tháp Mười, đủ lúa gạo, cây trái, hoa màu và cá
tôm, sử gọi là trường Bả Canh. (Khu vực Bến Tre thì
gọi là trường Tân An).
Cù lao trên sông là kiểu đất giồng nổi lên mặt nước,
phù sa mỗi năm bù đắp, nổi tiếng với Cù lao Tân Huề,
Cù lao Giêng, Cù lao Ông Chưởng, Cù lao Mây, Cù
lao Năm Thôn...
Bên sông Hậu có Cù lao Cát, Cù lao Dung...
Nơi nào đất cao ráo, người xưa không bỏ qua. Trong
lòng Đồng Tháp Mười, rải rác những gò, quyến rũ người
định cư sớm. Phía Hậu Giang qua ven Vịnh Thái Lan, Bảy
Núi là điểm cao, không ngập trong một vùng trũng. Từ
nhiều thế kỷ, người Khơme canh tác trên những giồng từ
Trà Vinh qua Sóc Trăng, vùng U Minh Thượng, U Minh
Hạ vẫn có những xóm hình thành sớm “trời sinh voi trời
sinh cỏ”, trong vùng úng thủy bao la, thiên nhiên để lại vài
gò cao ráo, nhỏ hẹp nhưng tạm đủ cho vài mươi gia đình.
Phía Mũi Cà Mau đất thấp, vẫn thấy nhiều giồng
ở bờ sông Cái Lớn, Cái Bé, Gành Hào, Ông Đốc, lưu
dân đến rất sớm, sống như một thế giới riêng, mua
bán thẳng với ghe buôn từ Hải Nam hoặc từ Xiêm tới.
Bảy xã đầu tiên mà Mạc Cửu chiêu mộ lưu dân toàn
là nơi cao ráo. Vùng Mũi Cà Mau quy tụ ngư dân và
người làm ruộng trên những giồng nhỏ bé, mùa nắng
thiếu nước ngọt phải ra Hòn Khoai chở về.
Từ thuở ban đầu, nguồn lợi lớn nhứt trên đất giồng
là trầu, cau. Vườn cau lập một lần hưởng huê lợi nhiều