ĐẤT GIA ĐỊNH VÀ BẾN NGHÉ XƯA - Trang 51

51

Phá sơn lâm

là phá rừng, đốn củi, khai hoang.

Đâm Hà Bá

là làm nghề chài lưới ở sông, biển.

Nghề cây củi xưa, đánh cá ngày nay tuy đem lợi tức

nhanh chóng nhưng không bền bằng nghề ruộng. Lợi
tức từ rừng, sông, biển tùy thuộc vào sự may mắn hơn
là chăm chỉ. Khi được tiền, người khai thác nghề này dễ
có xu hướng ăn chơi, cờ bạc vì thấy đồng tiền dễ kiếm,
gặp lúc suy, trở thành tay trắng.

Làm ruộng chắc ăn hơn, sau vài năm trúng mùa

dễ tu bổ nhà cửa vườn tược, nhưng cần đến sự kiên
nhẫn, nhứt là nơi mới khai phá, nhanh nhứt phải qua
ba năm mới tạm ổn. (Vì vậy, ngày xưa bày lệ miễn
thuế ba năm cho người mới khẩn hoang). Ba năm đầu
còn dọ dẫm về địa chất, mưa nắng, thủy triều, chọn
giống lúa, chọn thời điểm gieo cấy. Và, còn phải đối
phó với bệnh tật, với thú dữ. Đất giồng còn hoang vu
là nơi “xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp”!

“Hùm tha, sấu bắt” là lời nguyền rủa mà cũng là

lời thương xót muôn đời, dịp rằm tháng Bảy, những
nạn nhân ấy được cúng tế trong thập loại chúng sinh.
Ở nước ta, chuyện về cọp dữ nghe vào thời đại xa xưa,
từ Lạng Sơn, qua Trường Sơn, tới miền Đông Nam Bộ,
tận Mười tám Thôn Vườn Trầu, sát nách chợ Sài Gòn.
Điều làm cho nhiều người ngạc nhiên: cọp sống giữa
sình lầy nước mặn, ở bãi bùn nước lợ với rặng dừa nước
dày bịt, hoặc trên gò đất với vài cây kè, cây gừa giữa
cỏ thấp, bên đám tràm lưa thưa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.