Mario Puzo
Đất khách quê người
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Chương 15
Lucia Santa phải chèo chống để gia đình bà vượt qua sóng gió thời gian:
con cái lớn lên, ba mẹ qua đời và biết bao nhiêu sự kiện đổi thay. Suốt năm
năm, với một nghị lực và một sức khoẻ phi thường, bà đã vượt qua những
kỷ niệm vui buồn ảm đạm nhất.
Trong năm năm đó, màu áo đen ngòm, tụm năm tụm ba tán gẫu trước mỗi
căn nhà thưa thớt dần, hình ảnh người mở đường với mũ, áo, ủng ghệt
chỉnh tề với chiếc đèn đỏ mãi mãi không còn nữa. Chiếc cầu bắc qua đường
Số Mười cho khách bộ hành không còn cần thiết, đã được dỡ bỏ.
Trong vài năm, khu Tây không còn tồn tại, đám dân cư (những con người
mà cha ông họ từng sống chung trong một ngôi làng xa xôi bên Ý) tứ tán
mỗi người một nơi.
Biết bao biến cố, tai hoạ bất ngờ xảy ra và bà đã hiên ngang chống lại: đám
tang, đám cưới, nghèo khổ, những trái tính trái nết của con cái trong tuổi
dậy thì, tuy nhiên cũng không tránh khỏi ảnh hưởng lối sống Mỹ của chúng
trên đất nước này. Bà hầu như không biết đến, triền miên đấu tranh cùng
định mệnh khắc nghiệt, sức khoẻ bà đã dần dần mòn mỏi.
Bà là cột trụ trong cái thế giới do chính bà tạo dựng. Con cái lơ mơ thức
giấc trong chăn ấm vào buổi sáng tinh sương, đã thấy bóng mẹ loay hoay
bên bếp lửa, áo quần đi học đã treo tươm tất bên lò sưởi. Ở trường về lại đã
thấy mẹ đang ủi đồ, may vá bên nồi nước lớn sùng sục sôi trên bếp. Trong
hơi nước mịt mù, bà thấp thoáng như một vị thần khiêm tốn, di chuyển
trong hơi ấm của vải vóc, của mùi thơm tỏi phi, sốt cà, thịt chiên, và từ cái
radio cổ lỗ sĩ vang vang giọng hát mượt mà của Carlo Buti, một Bing
Crosby của Ý và là thần tượng của đám phụ nữ Ý lai căng, mặt vêu vao,
đứng dựa các tủ kính của các cửa hiệu trên đại lộ Số Mười đau khổ lắng
nghe.
Cửa nhà luôn mở rộng đón bầy con đi học, đi làm về. Sống chết gì thì đồ ăn