Mario Puzo
Đất khách quê người
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Chương 4
Cuối tháng tám, trừ trẻ con không ai chịu nổi cái nóng mùa hè. Cả ngày
nồng nặc mùi nhựa đường, xăng dầu, hơi nóng từ vỉa hè lát đá, lại thêm
mùi phân ngựa kéo rau quả bán rong, thải xuống đường. Phía tây thành
phố, khu nhà gia đình Angeluzzi-Corbos, lúc nào cũng lửng lơ những đám
khói tàu, bụi than bay mù mịt. Nhưng hôm nay là chủ nhật, những toa tàu
vàng, đen, nâu nằm im lìm dưới nắng vàng, giữa đống ngổn ngang sắt thép,
gạch đá như một khu rừng. Những đường tàu sắt lấp loáng như bầy rắn
trườn mình.
Đại lộ Số Mười chạy thẳng ra bờ sông, chẳng có một mái hiên nào, chói
chang nắng suốt ngày. Lúc này ngoài đường vắng ngắt. Trong buổi trưa chủ
nhật nắng thế này, những bữa ăn trưa, chè chén trong gia đình kéo dài tới
bốn giờ chiều. Nhiều người đi thăm bà con khá giả đã dọn nhà đến Long
Island hay Jersey. Có người tranh thủ ngày nghỉ để đi đám ma, đám cưới,
rửa tội…hoặc đem quà bánh thăm thân nhân đau ốm đang nằm trong bệnh
viện Bellevue.
Những gia đình ăn chơi theo kiểu Mỹ một tí, thì đưa con cái ra đảo Coney,
nhưng mỗi năm chỉ được một lần. Vì dù có xách theo đồ ăn từ nhà, nhưng
đường xa, tiền "rắc đường rải chợ" cũng tốn kém lắm. Cánh đàn ông chẳng
thích đi đâu, ngày nào cũng quần quật phơi nắng kiếm tiền, được ngày nghỉ
tội gì tốn kém đi xa xôi, tới tận bờ biển mà phơi thây cho khổ. Chủ nhật
nằm nhà là sướng nhất, vợ con không bắt các ông phải động móng tay.
Đánh bài, nhậu nhẹt, nghe các bà tán nhảm còn khoái hơn nhiều.
Sướng nhất là có một ngày chủ nhật rảnh rỗi. Trẻ con đi xem phim, ba mẹ
ăn bữa trưa no ễnh bụng, đánh một giấc ngủ rồi thoải mái yêu nhau trong
căn nhà vắng vẻ. Sức lực trở lại dồi dào, gia đình thêm thắm thiết. Đúng là
một ngày của Chúa ban cho.
Đường phố quanh đại lộ Số Mười sạch sẽ, tươm tất, vắng vẻ. Dân ở mấy