Bọn tuỳ tùng cùng vui vẻ bảo:
- Lão gia nói phải lắm. Chỗ ấy đông người, ta vào đấy biết đâu chả
nghe được khối chuyện.
Trời càng về trưa khách càng đông, vợ chồng bác Khoai phải kê cả
bàn ghế ra gốc cây cho khách vào ăn quà, uống nước. Diệc Mã Lạt Đan
chọn một chỗ mát có kê bộ bàn ghế lớn, cùng bọn thủ túc ngồi nói chuyện
vui vẻ như những người bình đẳng với nhau, chờ chủ quán đến phục vụ. Cô
Trịnh Thị hãy còn trẻ, có đôi phần nhan sắc, nhanh nhẹn đi hết bàn này
sang bàn khác, bưng hàng cho khách, lại tính toán thu tiền không nhầm lẫn
bao giờ. Bác Khoai chẻ củi, quạt lò, đun nước, nấu chè. Trời nắng nhưng
cũng hơi se se lạnh mà bác chỉ đóng mỗi cái khố ngắn với khoác chiếc áo
lính cũ cộc tay. Diệc Mã Lạt Đan cùng bọn tay chân sau khi được mấy bát
chè, tỉnh táo hẳn ra, bắt chuyện, hỏi bác Khoai rằng:
- Ngộ hỏi khôông phải! Ngài tước cái nỉ cũng ti lính hử?
Bác Khoai vui vẻ trả lời:
- Vâng! Tôi đi lính hơn hai chục năm. Năm ngoái đánh Thát xong,
tuổi cao, sức khoẻ xuống mới được hoàng thượng cho về nghỉ, làm lý tể
thay thầy lý Tình ở khu này. Thế chú khách là người Tống hay người Thát?
(Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, dân ta thường gọi những người từ
Trung Quốc sang là chú khách, do một truyền thuyết cho rằng người Việt,
người Hoa là anh em. Tổ tiên người Việt vốn là anh, xuống phương Nam
lập nghiệp, nhường cho người em ở lại đất phương Bắc)
Diệc Mã Lạt Đan giả vờ cười hể hả, làm ra vẻ thân mật, nói:
- Ố ồ! Thảo nào mà ngộ thấy cái nỉ còn khoẻ mạnh lám à. Ngộ là ngời
Tôống, ti lánh nạn sang tây à. Nghe nối quân Nguên nam nai sang nhêù
lám, quân An Nam có chừng nài làm sao tánh tược chôống.