- Đáng khen Trung Thành vương là người đại lượng. Vậy theo sự
đồng tiến cử của triều thần, trẫm phong Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
quyền tiết chế ba quân điều binh phá giặc. Các vương hầu tướng lĩnh nhất
nhất tuân theo. Ai trái lệnh xử theo quân pháp.
Quốc Tuấn bước lên nhận kiếm lệnh và soái ấn, năm ấy ông mới hai
mươi bảy tuổi. Thái Tông nói:
- Nay khanh đã nhận quyền tiết chế, trong việc quân trẫm cũng phải
tuân theo. Khanh cứ điều động.
Quốc Tuấn nói:
- Thần trộm nghĩ việc dùng binh muốn thủ thắng phải tạo cho mình cái
thế có thể điều được giặc. Nay nếu ta mang hết quân lên biên ải để chống
nhau với quân Thát, đường sá xa xôi, núi rừng hiểm trở lại đang vào mùa
rét mướt, dân phu vận chuyển lương thảo rất cực nhọc. Như vậy quân Thát
nhàn nhã chờ ta đến mà đánh, hại cho ta lắm. Chi bằng nhử cho chúng vào
sâu phải hành quân xa, người ngựa mỏi mệt lúc ấy ta lấy quân nhàn nhã mà
đánh ắt toàn thắng. Đó chính là kế dĩ dật đãi lao vậy.
Phú Lương hầu Vương Lâm nói:
- Thần nghĩ rằng từ Đại Lý sang ta chỉ có một đường đi qua Quy Hoá,
vừa nhỏ hẹp vừa hiểm trở rất tiện cho việc bố phòng, một người trấn giữ
trăm người khó qua. Ta nên chặn giặc ngay từ ngoài thì hơn, để chúng vào
sâu tất tàn hại sinh linh bách tính.
Đại tướng Lê Tần bước ra tâu:
- Lời Phú Lương hầu nói cũng có lý nhưng theo kế sách của Hưng
Đạo vương vẫn hơn, vì giặc chỉ ỷ vào kị binh, khi vào sâu trong đất ta sông
ngòi chằng chịt chúng không thể tỏ rõ được sở trường. Đó chính là chỗ chết
của chúng.