- Ngươi cử ngay mấy đội do thám sang sông xem quân Nam ở bên ấy
nhiều hay ít.
Mấy đội do thám về đều báo bờ bên kia không có quân Nam. Cốt Đãi
Ngột Lang chắc mẩm quân Đại Việt sợ hãi đã bỏ đi hết. Số là hôm trước ở
ngã ba Bạch Hạc, Quốc Tuấn đã dặn Lê Tần chỉ cần đánh một trận cho
chúng nhụt nhuệ khí đi rồi rút quân về Bình Lệ hợp với quân của nhà vua,
phục sẵn chờ quân giặc tới, để một đội khinh kị nhử cho quân Thát đi đúng
vào nơi đã mai phục.
Tại Bình Lệ, Trần Khuê Kình nói:
- Quân Thát đến nhất định không dám sang sông ngay. Ta nên nhân
lúc giặc chưa lập xong trại, tung quân vào đánh chắc thắng to.
Trần Quốc Tuấn nói:
- Quân giặc mới đến, nếu ta đánh ngay chắc chỉ có số quân đi trước
không đáng kể, có thắng thì thắng nhỏ mà lại phô mất lực lượng của mình,
phí công mai phục, đợi chúng đến đông mới đánh, khó cho ta vì bên kia
toàn đồng trống rất thuận tiện cho kị binh của chúng. Chi bằng ta đem quân
phục sẵn trong các cánh rừng bên này, các thuyền chiến tạm lánh vào khe
lạch và bãi lau, lập thành Điểu Vân trận. Giặc không thấy quân ta, ắt khinh
suất mà tiến. Khi chúng sang sông, quân thuỷ bộ của ta đổ ra đánh mới có
thể toàn thắng được. Trong thiên Thiểu chúng, Thái công có nói: Đánh vào
lúc địch chưa kịp vượt sông. Hậu quân địch còn chưa xuất quân nhưng Tôn
tử, Ngô tử cũng có nói địch đến giữa sông thì đánh. Ý của ta là như vậy.
(Thiểu chúng: Lấy ít đánh nhiều - Thiên Thiểu chúng trong sách Lục
Thao của Hoàng Thạch công)
Các tướng nghe theo, ai mang quân ấy đi mai phục. Lê Tần cũng mang
thuỷ quân lánh vào các bờ lau sậy.