không dám nói gì. Hôm sau về nhà Tô Trung Từ - cũng ở Hải ấp - thái tử
đem nỗi lòng thổ lộ hết. Tô Trung Từ nói:
- Chuyện ấy nào có khó gì. Trần Lý là anh rể tôi. Việc con Dung, thái
tử cứ để tôi lo liệu nhưng trước mắt phải sai người dò xem hoàng thượng ở
đâu.
Thái tử khen phải, lập tức phái người đi tìm Cao Tông. Tô Trung Từ
đem chuyện thái tử có tình ý với Trần Thị Dung nói cho Trần Lý biết. Trần
Lý bảo:
- Cao Tông không được lòng dân nên cha con giờ phải lưu vong. Ta gả
con cho thái tử chẳng phải là đưa nó vào chỗ chết ư?
Tô Trung Từ cười, nói:
- Anh rể nói sai rồi. Nhà Lý có thiên hạ hai trăm năm nay, lấy pháp độ
và sự khoan hậu để cai trị nên lòng người quy thuận, nay vì Cao Tông mà
loạn. Nếu bác gả con Dung cho thái tử, xin gia phong quyền tước, rồi dấy
binh, mộ tướng, khôi phục triều đình, đó chính là công đầu. Ngôi công
khanh nào có khó gì. Bác không làm, e rằng cơ hội ngàn năm tuột mất.
Trần Lý bảo:
- Những lời ấy của cậu nghe cũng có lý nhưng tôi chỉ là một kẻ thường
dân. Trong triều còn bao nhiêu là văn quan võ tướng, chẳng lẽ không ai vì
lòng ái quốc mà đứng lên bên cạnh nhà vua hay sao?
Tô Trung Từ cười ngất, nói:
- Lòng ái quốc! Lòng ái quốc! Thời buổi này mà anh rể lại nói đến cái
thứ hàng đắt tiền ấy. Từ khi nhà Lý được nước tới nay trải bảy đời vua
những người lương đống như Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo
Thành, Đào Cam Mộc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn những phường